Thanh Hóa: Ai tạo điều kiện cho cầu cảng hoạt động trái phép?

Trong ít năm trở lại đây, tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) 2 chiếc cầu cảng mọc lên trái phép thu hút hàng chục tàu, thuyền về neo trú. 2 bến cảng trái phép này không chỉ gây ra tình trạng lộn xộn, khó quản lý đối với hoạt động khai thác thủy hải sản mà nó còn gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương. Nghiêm trọng hơn, sự tồn tại của hai cảng cá này còn có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền xã Hải Lộc.

Chính quyền làm ngơ?

Thời gian gần đây, nhiều người dân tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc khá ngạc nhiên trước việc 2 cầu cảng tồn tại và hoạt động trái phép trong suốt thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại Hải Lộc để tìm hiểu và được biết: Chủ nhân của các cảng này là ông Nguyễn Tiến Lực và ông Trương Văn Huê (thôn Tân Lộc). Hiện tại, mỗi ngày 2 cầu cảng này đón nhận khoảng gần 100 tàu thuyền vào neo trú. Với nhiều chính sách ưu đãi, tàu thuyền địa phương gần nhà nên những cầu cảng này đã thu hút số lượng lớn tàu thuyền tại chỗ thuộc các xã Hải Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc. Việc đậu đỗ không đúng quy định cũng gây ách tắc về đường thủy, cụ thể là đoạn tuyến sông De (một nhánh của sông Lèn) đã nhiều lần cơ quan hữu trách làm việc nhưng đâu lại vào đó(?)

Tại cầu cảng của hộ ông Nguyễn Tiến Lực với lợi thế là xưởng sửa chữa tàu thuyền, từ một vài tàu ban đầu, đến nay hộ ông Lực luôn đón từ 50 – 60 chiếc về neo đậu, bốc dỡ hàng hóa mỗi ngày. Trong khi đó, cầu cảng của hộ ông Trương Văn Huê, từ một vài thuyền ban đầu về lưu trú nhờ, chủ cầu cảng này đã tự ý san lấp hàng trăm mét vuông lòng kênh De, cơi nới mở rộng việc xây dựng các mố neo tàu thuyền để thu hút hàng chục tàu thuyền vào neo đậu mỗi ngày.

Tìm hiểu từ các chủ cầu cảng được biết, mỗi tàu thuyền về đây neo đậu, bốc dỡ hàng hóa thì hàng tháng phải đóng khoản phí là 300 nghìn đồng/tàu, thuyền cho chủ cảng. Khoản phí này sau đó được phân chia cho những ai đảm bảo sự tồn tại của nó thì không ai được biết!

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Túy – Chủ tịch UBND xã Hải Lộc thừa nhận tình trạng hoạt động lâu nay của các cầu cảng trái phép tại xã. “Đây là nhu cầu của các chủ tàu. Họ thấy thuận lợi cho việc đi khơi thì vào neo đậu, tránh trú bão. Và các cầu cảng này đã tồn tại từ những năm trước!”- ông Túy thản nhiên nói.

“Bóp chết” cảng cá Hòa Lộc

Việc hoạt động trái phép của 2 cầu cảng tại xã Hòa Lộc đang gây ra không ít khó khăn cho cảng cá Hòa Lộc – một trong những cảng cá được Nhà nước đầu tư quy mô, hiện đại vào tốp đầu khu vực. Nói về sự tồn tại của 2 chiếc cầu cảng tự phát nói trên, ông Lê Văn Thăng – Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc ngao ngán cho biết: Hiện tại, cảng cá hoạt động hết sức khó khăn. Từ việc kêu gọi tàu thuyền đến các cơ sở chế biến, doanh nghiệp vào cảng hoạt động. Số lượng tàu thuyền cập cảng ít dần và dẫn tới mọi hoạt động kéo theo bị chững lại.

Đi một vòng quanh khu cảng cá Hòa Lộc, trước mắt chúng tôi một cảng cá rộng lớn, quy hoạch thuộc hạng tốp đầu của tỉnh. Mặc dù đang là mùa khai thác, đánh bắt rộ, nhưng trong cảng chỉ có số ít các cơ sở chế biến hậu cần nghề cá hoạt động, vài ba cơ sở hoạt động sửa chữa máy móc, tàu thuyền nằm hiu hắt chờ khách. Một vài cơ sở khác, do hoạt động khó khăn nên mở thêm một vài hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, số còn lại đều nằm trong cảnh đóng cửa, mặc dù người dân vẫn phải đều đặn đóng tiền thuê mặt bằng.

Lý do nào khiến cho một cảng cá lâu năm, được đầu tư quy mô lại rơi vào thảm cảnh này?, ông Thăng lý giải: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc cảng cá vắng tàu thuyền về neo đậu, bốc dỡ hàng hóa là do luồng lạch vào cảng bị bồi lắng, lâu không được khơi thông, nạo vét dẫn tới tàu thuyền gặp khó khi vào neo đậu. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân lớn nữa là tình trạng một số cầu cảng trái phép mọc lên tại xã Hải Lộc. “Trước kia, mỗi ngày cảng đón khoảng 10 -15 chiếc tàu vào đây bốc dỡ hàng hóa. Họ đi theo đợt trăng, có ngày họ về đến 50 chiếc. Theo quy định, Ban Quản lý Cảng chỉ thu phí dao động từ 50 – 200 nghìn đồng/tàu tùy vào công suất. Đồng thời các hoạt động dịch vụ phục vụ hậu cần nghề cá rất phát triển. Còn hiện tại, mỗi ngày cảng chỉ còn khoảng 50 – 60 tàu câu vào neo đậu. Vì số các tàu thuyền của các xã: Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc… đều chuyển vào các cảng trái phép tại xã Hải Lộc gần nhà. Ở các cảng trái phép, họ có chính sách, có thủ đoạn lôi kéo tàu thuyền trong xã cũng như các xã lân cận. Tình trạng này xảy ra 3,4 năm nay và chúng tôi cũng đã phản ánh rất nhiều lần lên chính quyền cấp huyện, tỉnh nhưng vô vọng!” – ông Thăng bức xúc nói.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Đức Giang – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện tại Sở đã nắm được thông tin về 2 cảng cá hoạt động trái phép tại xã Hải Lộc. Tuy nhiên, đây là vấn đề của địa phương (huyện Hậu Lộc) do địa phương xử lý. “Việc để tồn tại hai cầu cảng trái phép là không thể. Phía UBND huyện Hậu Lộc cũng cho chúng tôi biết là họ sẽ cương quyết đóng cửa, tháo dỡ cả hai cầu cảng trái phép này trong tháng 11/2019. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cảng cá Hòa Lộc “soi” lại mình. Tại sao các cầu tàu trái phép thu hút được các tàu thuyền vào neo đậu, bốc dỡ mà một cảng quy mô như Hòa Lộc lại không thể? ”- ông Giang cho biết thêm.

Nghị định 42 của Chính phủ ra đời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ định ở Thanh Hóa có 3 cảng là cảng Lạch Trường, cảng Lạch Hới và Lạch Bạng là 3 cảng đã có trong quy quy hoạch, quy định. Theo Nghị định thì tất cả các tàu thuyền từ 15m trở lên đều phải vào cảng để chỉ định bốc dỡ hàng, kiểm soát sản lượng qua cảng, sản lượng hàng hóa ngoài biển… Nhưng thực tại lại không như vậy?

Nguyễn Chung – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Cầu cảng trái phép tại thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc thu hút nhiều tàu thuyền vào neo đậu.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/dieu-tra/thanh-hoa-ai-tao-dieu-kien-cho-cau-cang-hoat-dong-trai-phep-tintuc452131