Công ty CP đầu tư ngành nước DNP đang triển khai đầu tư trên 1.000 tỉ đồng để xây dựng trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải liên tỉnh để cung cấp nước cho 3 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang, Long An, Bến Tre.
Ðồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 13 triệu dân sống ở nông thôn, tuy nhiên tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia chỉ đạt hơn 55%. Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng việc cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu cuộc sống ở khu vực này vẫn đang là bài toán nan giải đối với ngành chức năng.
Các địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt trước tình hình xâm nhập mặn. IT
Mỗi khi vào mùa khô, Đồng bằng Sông Cửu Long có hàng chục nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt phải sử dụng nước sông hồ, kênh rạch. Dù các địa phương đã rất nỗ lực nhưng khô hạn kéo dài hơn sáu tháng khiến nguồn nước mặt bị cạn kiệt, nơi còn thì cũng bị mặn xâm nhập. Bên cạnh nguồn nước mưa dự trữ, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm cho sinh hoạt.
Đặc biệt, tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn vào sâu tại các cửa sông ở các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh.
Có một dự án nước sạch lớn nhất cho vùng nhiễm mặn
Ngày 10/10/2023, Đoàn chuyên gia ngành nước, môi trường đến từ một số nước như: Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam…đã có buổi tham quan và làm việc với Công ty CP nhà máy nước Đồng Tâm (Tiền Giang) thuộc Công ty CP đầu tư ngành nước DNP (DNP Water).
TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam giới thiệu thành phần đoàn làm việc tại Nhà máy.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đồng Tâm DNP Water cho biết, DNP Water đang triển khai Dự án ‘bán nước thô’ cho Tiền Giang, Long An và Bến Tre. Mục tiêu của việc đầu tư dự án nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất; khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn; thay thế nguồn nước ngầm đang suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm DNP Water giới thiệu tổng quan Nhà máy
Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.099 tỉ đồng, trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 30% và 70% còn lại là vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm và được nâng lên 500.000 m3/ngày đêm trong giai đoạn 2.
Theo đại diện Đồng Tâm DNP Water, dự án sẽ sử dụng nước mặt sông Tiền và bán buôn nước thô thông qua đồng hồ tổng cho các nhà máy nước hiện hữu và tương lai dọc tuyến ống truyền tải khu vực thuộc 3 địa phương của ĐBSCL, gồm Tiền Giang, Long An và Bến Tre.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng trạm bơm công suất 300.000 m3/ngày đêm đặt tại huyện Cái Bè (trạm bơm Cái Bè) tỉnh Tiền Giang; đặt trạm bơm tăng áp số 1 tại huyện Cai Lậy (trạm bơm Cai Lậy) với công suất 300.000 m3/ngày đêm; trạm bơm tăng áp số 2 tại nhà máy nước Đồng Tâm (trạm bơm Đồng Tâm) công suất 250.000 m3/ngày đêm.
Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng 6 tuyến ống chính để chuyển nước từ trạm bơm Cái Bè đi các nơi của 3 địa phương nêu trên với tổng chiều dài các tuyến ống chính là 97,8 km. Trong đó, đường kính ống chính lớn nhất là 1,4 mét và nhỏ nhất là 0,4 mét.
Về việc tiêu thụ nước của dự án, DNP Water đề xuất, UBND của 3 địa phương nêu trên đại diện cho các đơn vị cấp nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh ký hợp đồng bao tiêu sản lượng nước từ dự án. “Đối với các đơn vị cấp nước do tư nhân sở hữu sẽ do doanh nghiệp dự án thỏa thuận hợp đồng”, vị đại diện DNP Water cho biết.
Theo DNP Water, sản lượng các đơn vị cấp nước phải tiếp nhận nước thô từ dự án mỗi năm tối thiểu là 75% sản lượng tối đa đăng ký với dự án, nhưng đảm bảo không thấp hơn 50% sản lượng bình quân theo tháng trong 1 tháng bất kỳ. Sản lượng tiếp nhận bình quân hàng năm được điều chỉnh tăng tối thiểu 5% so với năm liền trước, nhưng không vượt quá sản lượng bán lẻ thực tế của đơn vị tiếp nhận.
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Được biết, ngày 02/3/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, điều chỉnh vùng I (Bắc sông Tiền) và vùng II (giữa sông Tiền và sông Hậu) thành một vùng Đông Bắc sông Hậu bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Bổ sung trạm bơm nước thô tại khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với công suất đến năm 2025 là 300.00 m3/ngày đêm, sau năm 2025 là 600.000 m3/ngày đêm.
Điều chỉnh hướng tuyến truyền tải nước sạch của Nhà máy sông Tiền 1, trong giai đoạn trước mắt 2020 – 2025 thành tuyến ống truyền tải nước thô cấp cho tỉnh Tiền Giang, một phần tỉnh Long An và tuyến ống truyền tải nước thô qua sông Tiền cấp cho tỉnh Bến Tre.
Đồng bằng Sông Cửu Long thiếu nước ngọt thừa nước mặn. Ảnh IT
Điều chỉnh vị trí trạm bơm tăng áp phù hợp với vị trí lắp đặt các tuyến ống truyền tải nước thô gồm: trạm bơm tăng áp ST1.1 đặt tại Thị xã Cai Lậy dịch chuyển theo tuyến ống truyền tải đặt dọc đường tỉnh 864 (Tiền Giang) và trạm bơm tăng áp ST1.2 đặt tại thành phố Mỹ Tho trong phạm vi Nhà máy nước Đồng Tâm (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
DNP Water được thành lập vào năm 2017, là đơn vị chuyên đầu tư ở ngành nước thuộc DNP Corp (Dong Nai Plastic JSC). DNP Corp thành lập từ năm 1976, được tổ chức theo mô hình công ty đầu tư (investment holding), gồm nhiều đơn vị thành viên, tập trung cho hai ngành chiến lược là nhựa và nước sạch. |
Đỗ Thuận – Chương Hoàng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Đoàn chuyên gia ngành nước, môi trường đến từ một số nước như: Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam thăm quan Nhà máy