Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân trong thảm họa vỡ sông băng ở Ấn Độ.
Theo hãng tin AFP, lực lượng cứu hộ của Ấn Độ ngày 14/2 đã tìm thấy những thi thể đầu tiên từ một đường hầm bị bịt kín tại nhà máy nhiệt điện Tapovan ở tỉnh Chamoli (miền Bắc) sau thảm họa vỡ sông băng cách đây một tuần.
Hiện tổng cộng 43 thi thể đã được tìm thấy, 161 người vẫn đang mất tích. Số thi thể được tìm thấy nằm rải rác tại nhiều địa điểm khác nhau dọc theo các bờ sông tại khu vực này. Trong số các nạn nhân được tìm thấy, mới chỉ có 25 người được nhận dạng.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, ít nhất 50 người đã thiệt mạng và hơn 150 người vẫn mất tích trong thảm họa này.
Người dân địa phương vẫn tụ tập quanh khu vực hầm ngày 14/2 để chờ tin tức mới của người thân, với nhiều hy vọng rằng những người mắc kẹt bên trong có thể sống sót nhờ các túi khí.
Dự báo nước sông có thể lại dâng cao, Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực chạy đua với thời gian để làm sạch bùn và mảnh vỡ của đường hầm này.
Để tìm kiếm những người còn mất tích trong đường hầm của thủy điện Tapovan, lực lượng cứu hộ đã khoan một lỗ có đường kính 30cm và sâu 12m để giúp loại bỏ bùn đất do dòng nước lũ đưa vào. Nhiều người thiệt mạng trong trận thiên tại này là công nhân đang làm việc tại các đường hầm của dự án thủy điện Tapovan.
Các đường hầm này hiện vẫn đang bị đất đá bịt kín. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ còn lên kế hoạch nhằm chuyển hướng dòng chảy của sông từ tả ngạn sang hữu ngạn để hỗ trợ làm rửa trôi đất đá bồi lắng, giúp đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm.
Một nguy cơ khác khiến lực lượng cứu hộ lo ngại là đất đá từ vụ đứt vỡ sông băng đã chặn dòng sông Rishiganga, hình thành một hồ nước phía thượng nguồn. Hồ nước này ước tính có chiều dài khoảng 350m và chiều cao của con đập này khoảng 50m. Hồ nước này được phát hiện hôm 12/2 và bắt đầu có dấu hiệu rò rỉ. Các nhà khoa học Ấn Độ hiện đang tiến hành khảo sát để tính toán nguy cơ lũ quét trong trường hợp khối đất đá này bị vỡ.
Vụ vỡ sông băng Dhauliganga hôm 7/2 đã kéo theo lũ quét khiến nhiều người thương vong. Thảm họa này tạo ra “bức tường” nước đổ xuống thung lũng ở bang Uttarakhand, phá hủy nhiều đường sá và cây cầu, đồng thời làm sập hai nhà máy thủy điện.
Đây là thảm họa thiên nhiên đã được lường trước và nhiều khả năng sẽ tái diễn tại khu vực vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu và sự phát triển cơ sở hạ tầng không được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác đã dẫn đến vụ vỡ sông băng trên nhưng dư luận cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện tại một khu vực có hoạt động địa chấn cao là yếu tố chính gây nên thảm họa này.
Hoa Vũ (T/h) – Tạp chí ĐS&PL
Theo Đời sống & Pháp luật
Ảnh: Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Ảnh: Reuters
Xem bài viết gốc tại đây: