Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão nhiệt đới, lũ lụt, mưa lớn và hạn hán,… đã khiến thế giới thiệt hại tới 210 tỉ USD trong năm 2020.
Một năm thiên tai khốc liệt, bất thường
Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai khốc liệt, bất thường xảy ra tại nhiều quốc gia, khu vực. Thế giới cũng đối mặt với những thảm họa thiên tai nghiêm trọng, với kỷ lục các trận bão và thiệt hại. Riêng Đại Tây Dương đã có 30 cơn bão, nhiều nhất trong một mùa từ trước tới nay. Những cơn bão năm nay thường mang lượng mưa lớn và những cơn bão di chuyển chậm hơn so với trước đây, có nghĩa là sẽ có nguy cơ gia tăng ngập lụt ở các khu vực ven biển.
Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc (LHQ) cho biết, năm 2020 đang trở thành một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1-10/2020 cao hơn 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900.
Hệ sinh thái toàn cầu cũng đang đứng trước tình trạng báo động với việc hơn 1 triệu loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, diện tích các hoang mạc đang mở rộng, trong khi các đầm lầy lại dần biến mất, mỗi năm thế giới cũng mất đi khoảng 10 triệu ha rừng. Nghiêm trọng hơn, tình trạng ô nhiễm không khí và nước đang khiến 9 triệu người tử vong hằng năm.
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu do tạp chí y học danh tiếng The Lancet công bố, biến đổi khí hậu sẽ khiến các đại dịch xuất hiện nhiều hơn trong tương lai và trên thực tế, hiện nay tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều đang phải đối mặt với những hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ. Điển hình là trong vòng 2 thập kỷ qua, số ca tử vong do thời tiết ở người cao tuổi tăng 54%, trong đó chỉ riêng năm 2018 đã có gần 300.000 người trên toàn thế giới thiệt mạng vì nắng nóng.
Những con số thiệt hại chưa từng thấy
Ngày 7/1/2021, công ty bảo hiểm Munich Re của Đức cho biết các thảm họa tự nhiên trên khắp thế giới đã gây thiệt hại lên tới 210 tỉ USD trong năm 2020, trong đó Mỹ là quốc gia đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão và cháy rừng.
Con số trên tăng mạnh so với mức 166 tỉ USD của năm 2019 trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều rủi ro do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo Munich Re, các tổn thất được bảo hiểm đã tăng từ 57 tỉ USD trong năm 2019 lên mức 82 tỉ USD trong năm 2020.
Ông Torsten Jeworrek, một thành viên trong ban điều hành Munich Re, cho biết biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong tất cả các thiên tai, trong đó có bão và cháy rừng.
Ông Jeworrek cho rằng đây là thời điểm thế giới cần hành động. Mùa bão năm 2020 đã ghi nhận tới 30 cơn bão, vượt qua kỷ lục trước đó là 28 cơn bão trong năm 2005.
Trong khi đó, nắng nóng và hạn hán là nguyên nhân gây cháy rừng, khiến miền Tây nước Mỹ bị tổn thất 16 tỉ USD. Lũ lụt tại Trung Quốc khiến người dân chịu thiệt hại tới 17 tỉ USD.
Chọn giữa kinh tế và môi trường Theo báo cáo tháng 12 của chương trình khí hậu Liên Hợp Quốc (UNEP), dù mức khí thải toàn cầu năm nay có giảm nhưng mức giảm trong ngắn hạn này nhiều khả năng không mang lại tác động dài hạn, Trái Đất vẫn đang tiến tới kịch bản tăng 3 độ C trong thế kỷ này, thậm chí có thể lên tới 4 độ C. Giới chuyên gia kêu gọi chính quyền các nước nỗ lực theo đuổi chiến lược kinh tế xanh. Kinh tế xanh, theo định nghĩa của UNEP, là tập hợp những chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các công nghệ không phát khí thải, giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, đóng cửa các nhà máy than đá và thúc đẩy các giải pháp kinh tế thân thiện với môi trường như trồng rừng và bảo tồn thiên nhiên. “Nếu các nước không có các chính sách phù hợp và sử dụng những nguồn lực này một cách hiệu quả, gánh nặng chồng chất lên các thế hệ sẽ là một hành tinh bị tàn phá” – UNEP cảnh báo. |
Hoài Thu – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Thảm họa thiên nhiên khiến thế giới tổn thất 210 tỉ USD trong năm 2020.
Xem bài viết gốc tại đây: