Thái độ với rác thải nhựa

Khi Sapa dần biến thành một đô thị xô bồ và mất đi vẻ quyến rũ ngày trước, nhiều người – trong đó có tôi – tìm đến những ngọn núi cao ở Tây Bắc để về với tự nhiên.

Những nơi như đỉnh Pu Ta Leng, Pơ Ma Lung ở Lai Châu, Nhìu Cồ San và Kỳ Quan San ở Lào Cai là địa điểm ưa thích của những người đam mê leo núi (trekking), và sự hoang sơ của nó mang đến tình cảm yêu thương đầy xúc động với thiên nhiên.

Nhưng không phải ai cũng có cảm xúc đó. Trên những hành trình leo núi của mình, tôi nhìn thấy ngày càng nhiều những lối mòn lổn ngổn túi nylon, chai nhựa, và vỏ kẹo, rải rác từ chân cho đến đỉnh núi. Ở một số lán trại dựng lên cho khách nghỉ ngơi, đặc biệt là các điểm hút khách như Kỳ Quan San, rác được xả vô tội vạ xuống cả nguồn nước.

Những người Mông, người Dao làm “porter” (người dẫn đường và khuân vác đồ cho du khách) thầm lặng nhặt từng chai nhựa trên lối đi, và luôn nhắc nhở mọi người không vứt rác bừa bãi. Nhưng nỗ lực và sự tôn trọng của họ với thiên nhiên không theo kịp thái độ kém văn minh của một bộ phận du khách miền xuôi.

Thái độ quan trọng, bởi không phải lúc nào cũng có thể giám sát hành vi xả rác. Ở vùng núi non, chỉ có thái độ mới quyết định việc bạn ném đi một chai nước hay mang nó xuống núi. Không có hình phạt 3-7 triệu đồng như ở phố đi bộ hồ Gươm, hay nỗi xấu hổ khi bị bắt gặp xả rác ở các đô thị lớn.

Thái độ quan trọng, bởi nó lý giải tại sao nhiều người không bao giờ vứt rác bừa bãi khi ở các nước phát triển, nhưng lại có thể thoải mái làm như vậy ngay khi xuống sân bay Nội Bài.

Nhưng khi bàn về thái độ, chúng ta lại dễ vướng vào một tình trạng lưỡng nan: thay đổi một quy định hay tăng nặng hình phạt thì dễ dàng và nhanh chóng, nhưng thay đổi thái độ – của cả xã hội – thì sẽ tốn nhiều thời gian. Và phức tạp hơn, chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Suy cho cùng, đó là vấn đề của hành động tập thể: khuyến khích cá nhân từ bỏ hành động có lợi ích ngắn hạn cho bản thân nhưng gây thiệt hại về dài hạn cho xã hội là không hề đơn giản.

Những người Mông nhặt rác trên đỉnh núi có thể cho chúng ta thấy giải pháp. Họ lượm những túi nylon trên đường vì họ tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng không gian sống từ đời này qua đời khác của bản thân và cộng đồng. Họ không ngừng nhặt rác chỉ bởi không thể – hoặc chưa thể – thuyết phục toàn bộ du khách có thái độ như họ. Nhưng nhiều người – trong đó có tôi – thay đổi thái độ với rác khi thấy họ làm như vậy. Nếu mong muốn sự thay đổi diễn ra trong chớp mắt, bài toán về rác thải nhựa sẽ không bao giờ giải quyết nổi.

Sự thay đổi sẽ như hạt giống nảy mầm, chỉ khi bắt đầu vươn lên khỏi mặt đất mới thấy được thành quả. Gần đây, có nhiều nhóm “phượt thủ” tổ chức các chương trình kết hợp leo núi và nhặt rác tại các địa điểm du lịch, rất giống với phong trào “plogging” (chạy bộ nhặt rác) được khởi xướng ở Thụy Điển.

Ở các bãi biển và các khu du lịch, nhiều nhóm dân sự bảo vệ môi trường cũng khởi xướng các hoạt động thu gom rác. Ở Hà Nội, CCTV (camera quan sát) kết hợp với tuyên truyền cũng đã làm giảm bớt phần nào hình ảnh xấu xí quanh phố đi bộ hồ Gươm sau mỗi dịp cuối tuần.

Nhận thức của cả xã hội về thái độ với rác thải nhựa đang tăng lên, kéo theo những thay đổi về hành vi tiêu dùng. Một số siêu thị đang dần thay thế túi nylon bằng túi giấy, và nhiều quán cà phê và đồ uống thay thế ống hút nhựa bằng ống hút bằng thực vật hay kim loại.

Nhà nước cũng cần hành động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang trở thành bãi thải nhựa số 1 thế giới sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập một số loại phế liệu. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm 2018, số lượng phế liệu cập cảng nước ta bằng cả hai năm 2015 và 2016 cộng lại.

Hàng ngàn container rác thải không đủ điều kiện – và không người nhận – đang nằm ở các cảng biển lớn, và chúng ta vẫn chưa có biện pháp xử lý. Không phải ngẫu nhiên mà các nước Đông Nam Á vừa được coi là những nơi xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương, đồng thời cũng là những nước nhập rác thải nhựa nhiều nhất.

Nếu không siết chặt các quy định về quản lý nhập khẩu rác thải nhựa phế liệu, và tăng nặng các hình thức xử phạt, chỉ có thái độ của người dân là không đủ để xử lý cuộc khủng hoảng rác.

Cuộc chiến với rác thải nhựa là không dễ dàng, bởi đó là cuộc chiến với sự tiện lợi và ví tiền của nhiều người.

Nhưng nếu không thay đổi, chúng ta sẽ phải nhận lại những gì thải ra qua các chi phí ngoại biên đắt đỏ: ô nhiễm môi trường trầm trọng, chất lượng sống suy giảm, nguy cơ bệnh tật tăng lên, và nguy cơ bất ổn xã hội. Thái độ với rác phân định vị trí của mỗi người trong cuộc chiến đó.

Nguyễn Khắc Giang – Báo TBKTSG

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ảnh: Những cung đường uốn lượn của Tây Bắc. Ảnh Redluna

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.thesaigontimes.vn/288798/thai-do-voi-rac-thai-nhua-.html