Thái Bình: Tăng cường quản lý hoạt động hóa chất và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

Để chủ động trong công tác quản lý về hoạt động hóa chất và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sự cố hóa chất, UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý việc chấp hành các quy định về BVMT với các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở TN&MT tăng cường quản lý việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường với các tổ chức, cá nhân hoạt động động hóa chất. Phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành có liên quan cùng UBND các huyện, thành phố trong việc kiểm tra, theo dõi công tác xử lý, thải bỏ hóa chất theo quy định của pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tổ chức quan trắc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường khi có sự cố xảy ra trên địa bàn. Rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch lộ trình di dời đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, để BVMT sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư.

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, sang chai, đóng gói, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng, nghiên cứu, thử nghiệm hóa chất, xử lý hóa chất thải bỏ, xử lý chất thải hóa chất thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hóa chất và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất lập kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất; thiết lập khoảng cách an toàn phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất, đặc tính của hóa chất nhằm chủ động phòng ngừa các sự cố hóa chất có thể xảy ra.

Các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý hóa chất sử dụng trong từng lĩnh vực sản xuất và thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan phát hiện, điều tra, xử lý và hỗ trợ các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động hóa chất hoặc sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động hóa chất và vận chuyển hóa chất nguy hại thuộc thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển.

Đối với các cơ sở hoạt động hóa chất phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hóa chất, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động hóa chất nhất là các hóa chất nguy hiểm, độc hại. Đối với các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất ở mức độ cấp 1 phải thực hiện xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; Đối với các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất ở mức độ cấp 2 (là sự cố hóa chất gây nên những nguy hiểm đối với tính mạng con người, tài sản và môi trường) phải lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất.

Anh Tú – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Tỉnh Thái Bình xây dựng kế hoạch lộ trình di dời đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để BVMT. Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/thai-binh-tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-hoa-chat-va-phong-ngua-ung-pho-su-co-moi-truong-1275139.html