Thái Bình: Bị cắt nước vô thời hạn, người dân 6 xã ven biển khốn khổ

Khơi lại giếng khoan, bỏ tiền mua nước sạch, cô giáo xách xô đi xin nước nấu cơm cho học trò… Đó là ‘tình cảnh’ của hàng vạn người dân cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học ở 6 xã thuộc huyện ven biển Thái Thụy (Thái Bình) những ngày qua khi nhà máy nước trên địa bàn ngưng cấp nước sinh hoạt trên diện rộng…

Chiều ngày 18/1, có mặt tại nhiều thôn làng thuộc 6 xã Thái Thịnh, Thái An, Thái Học, Thái Tân, Thái Thuần, Thái Thành của huyện Thái Thụy, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận tại đây người dân đang phải sống trong tâm trạng ngột ngạt, bức bối vì “vặn mãi mà vòi nước không chảy”…

Tại nhà bà Đỗ Thị Thậm, ở xóm 5, thôn Bắc Thịnh (xã Thái Thịnh), phóng viên chứng kiến cảnh nước sinh hoạt bị cắt, hai ông bà già đang loay hoay không biết xử lý thế nào với đống quần áo bẩn và bữa cơm chiều.

Nước sinh hoạt bị cắt cũng khiến cô trò Trường Mầm non xã Thái Thịnh khốn khổ. Cô Hoàng Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 248 học sinh, 100% các em đều ăn bán trú. Mấy ngày qua, khi nước sinh hoạt bị cắt, để duy trì việc chăm sóc 248 học sinh, duy trì sinh hoạt của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường phải thuê thợ tới khơi lại chiếc giếng khoan trước đó đã bỏ không dùng. Tuy nhiên, nước giếng khoan lâu ngày không sử dụng nên không đảm bảo, nhà trường phải cử giáo viên mang xô vào trong làng, tìm đến những nhà có bể nước mưa xin nước dùng tạm.

“Hôm qua, nhà tôi có đám giỗ, bình thường đã vất vả, nay nước bị cắt phải dùng ống kéo nước từ bể của mấy nhà hàng xóm về, cực trăm bề”, cô Huệ ngao ngán.

Tại cổng Công ty May Hương Liên II-một doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn xã Thái Thịnh, PV cũng ghi nhận nhân viên của công ty đang vất vả tìm cách đưa nước từ hai thùng nước vừa mua được vào phía trong phục vụ cho hơn 200 công nhân đang làm việc tại đây.

Đến Nhà máy cấp nước số 4 của Công ty Toàn Thịnh đứng chân tại xã Thái Thịnh-nơi thực hiện cung cấp nước sạch cho 6 xã Thái Thịnh và 5 xã khác- phóng viên ghi nhận, Nhà máy đang trong tình trạng ngưng hoạt động. Một số người dân bức xúc trước việc Nhà máy ngưng cấp nước đã tới đây “to tiếng” với nhân viên.

Tại trụ sở xã Thái Thịnh, thông tin với phóng viên, ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND xã cho hay, xã có hơn 6000 khẩu, 1.700 hộ. Trước đây, người dân trong xã dùng hai nguồn nước gồm nước mưa và nước giếng khoan. Từ năm 2015, xã được đón Công ty TNHH Toàn Thịnh trên tỉnh về đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước và cung cấp nước sạch cho xã và 5 xã lân cận.

Xách xô đi xin nước nấu cơm cho học sinh là việc của các cô giáo Trường Mầm non Thái Thịnh những ngày qua.

Mong chờ nước sạch đã lâu nên xã Thái Thịnh đã dành 17.000 m2 đất lúa cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy. Nhân dân trong xã cũng đồng thuận góp vốn đối ứng thực hiện dự án, cụ thể mỗi hộ góp 500.000 đồng để sắm công-tơ. Từ giữa năm 2017 đến nay, 97% trong tổng số 1.700 hộ dân của xã được dùng nước máy, với giá 5000 đồng/khối. Đối ứng thấp, giá nước cũng rẻ nên nhìn chung người dân rất phấn khởi.

“Đang yên, đang lành thì mới đây chúng tôi nhận được Thông báo của Công ty Toàn Thịnh, cho biết từ ngày 15/1/2019 họ ngưng cấp nước cho nhân dân trong vùng dự án, với lý do công ty gặp khó khăn về tài chính, không thể tiếp tục duy trì việc cấp nước, nhân dân phải chủ động dự trữ nước sinh hoạt. Họ không cho biết đến bao giờ thì cấp trở lại. Bị cắt nước, sinh hoạt của người dân và của các cơ quan trên địa bàn cùng bị đảo lộn”, ông Phú phản ánh.

Cùng chiều 18/1, thông tin với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phan Song Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thịnh- chủ đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước và cung cấp nước sạch số 4- xác nhận việc từ ngày 15/1 Công ty đã ngưng cấp nước sạch phục vụ người dân.

Được hỏi lý do, ông Toàn cho biết từ năm 2014, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư các công trình cung cấp nước sạch của tỉnh Thái Bình; tin tưởng vào cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 12 năm 2012 và Quyết định số 19 năm 2014, Công ty TNHH Toàn Thịnh đã huy động vốn thực hiện 4 dự án nước sạch phục vụ nhân dân 13 xã trên địa bàn huyện Thái Thụy, bao gồm việc tiếp quản 2 nhà máy nước cũ; mở rộng, kéo dài 1 nhà máy; xây mới 1 nhà máy.

Trong đó, từ năm 2015, Công ty đã huy động 66 tỷ đồng đầu tư Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước và cung cấp nước sạch số 4, đặt tại xã Thái Thịnh, công suất thiết kế 7000 m3/ngày đêm; phục vụ nhân dân 6 xã Thái Thịnh, Thái An, Thái Học, Thái Tân, Thái Thuần, Thái Thành. Đến tháng 6-2016 dự án đã được Công ty hoàn công; được liên ngành chức năng của tỉnh thẩm định, nghiệm thu, bắt đầu thực hiện việc cấp nước sạch phục vụ người dân.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, cho đến nay nhà đầu tư không nhận được kinh phí hỗ trợ từ UBND tỉnh Thái Bình cho các dự án đầu tư của Công ty, quy định tại các Quyết định số 12 năm 2012 và Quyết định số 19 năm 2014 của UBND tỉnh dù đã nhiều lần kiến nghị giải quyết.

Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh Bùi Văn Phú: “Bị cắt nước, sinh hoạt của cả xã bị đảo lộn”

“Ở nhà máy nước số 4, mỗi tháng chúng tôi chỉ thu được hơn 200 triệu đồng tiền sử dụng nước từ các hộ dân, trong khi tổng chi phí vật tư, thiết bị, hóa chất, tiền điện, lương công nhân và lãi ngân hàng…lên đến hơn 400 triệu đồng. Chúng tôi đã cố cầm cự, chờ chính quyền tỉnh giải quyết chính sách hỗ trợ theo cam kết. Nhưng đến nay thì chúng tôi không còn đủ sức, bị mất khả năng tài chính, không thể tiếp tục vận hành nhà máy”, ông Toàn nêu lý do Toàn Thịnh ngưng cấp nước.

Duy Hưng – Báo Đại Đoàn Kết

Theo Đại Đoàn Kết

Ảnh: Nhà máy cấp nước cho 6 xã của huyện Thái Thụy đang trong trình trạng ngưng hoạt động.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://daidoanket.vn/tieng-dan/thai-binh-bi-cat-nuoc-vo-thoi-han-nguoi-dan-6-xa-ven-bien-khon-kho-tintuc428034