Những ngày Tết, thay vì được nghỉ như con người thì Trái Đất lại phải làm việc hết công suất khi tiêu thụ lượng rác thải môi trường gấp nhiều lần. Vậy những hành động nhỏ nào của con người sẽ làm nên ‘Tết sạch’?
Không sử dụng túi nilông
Từ lâu nay, các đồ dùng làm từ nhựa vẫn được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt, đặc biệt là những vật dụng như túi nilông, chai lọ, hộp nhựa bởi tính tiện lợi, giá thành lại rẻ.
Sử dụng túi nilông cũng là một trong những thói quen của đa số người tiêu dùng tại Việt Nam, từ đựng những đồ tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá cho đến đồ ăn nóng như bánh, bún, xôi, giò.
Trong ngày Tết, nhu cầu sử dụng túi nilông tăng gấp nhiều lần. Đặc biệt là khi phụ nữ đi chợ. Các cấp hội phụ nữ ở một số nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng cũng tổ chức phát miễn phí làn nhựa, túi thân thiện với môi trường cho hội viên đi chợ nhằm âng cao nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường cho chị em phụ nữ, những bà nội trợ.
Không chỉ trong các hộ gia đình, phong trào hạn chế rác thải nhựa cũng được lan tỏa tới các hội kinh doanh như quán ăn, cà phê, khách sạn, siêu thị, đặc biệt là các chợ dân sinh. Các tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, chợ Hôm (Hà Nội) đã có ý thức hạn chế phát sinh lượng lớn túi nilon bằng những sáng kiến như sử dụng túi giấy đựng đồ lưu niệm, hoa quả sấy khô, đóng nhiều mặt hàng trong một túi ni lông thay vì một sản phẩm đựng trong một túi nilông như trước.
Vì vậy, thay vì sử dụng túi ni lông để đựng thực phẩm, quà Tết… chúng ta có thể dùng túi vải, túi giấy, túi cói. Những vật liệu này sẽ dễ phân hủy hơn và có thể tái sử dụng nhiều lần. Chỉ cần một hành động nhỏ là chúng ta đã góp phần bảo vệ môi trường.
Hạn chế dùng màng bọc thực phẩm
Màng bọc thực phẩm cũng có xuất xứ từ nhựa, ni lông nhưng chúng được đánh giá là có mức độ nguy hại hơn cả túi ni lông. Bởi túi ni lông còn có thể giặt sạch và tái sử dụng, trong khi màng bọc thực phẩm lại không.
Nhưng nhiều gia đình hiện nay lại có thói quen sử dụng màng bọc thực phẩm cho dù trong một số trường hợp không thực sự cần thiết. Và điều này là không nên. Chúng ta có thể thay đổi bằng cách sử dụng lồng bàn đan từ tre nứa, kim loại hoặc cất thức ăn vào hộp.
Ngoài ra, chúng ta cũng hạn chế mua các loại thực phẩm chế biến sẵn trong siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, vì hầu hết đều được đựng trong hộp nhựa không thể tái chế và sử dụng màng bọc thực phẩm.
Không lãng phí thức ăn và giảm tiêu thụ thịt
Một trong những nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là do ngành công nghiệp chăn nuôi. Trong ngày Tết, chúng ta thường xuyên tổ chức những bữa tiệc xa xỉ và nhiều lượng thức ăn bị lãng phí. Tiêu thụ lượng thịt vừa đủ trong dịp tết cũng là cách giảm bớt gánh nặng cho môi trường.
Theo tính toán, lúa là cây trồng rất khát nước. Để sản xuất được 1kg gạo tốn hơn 1.400 lít nước. Trong 1 giây, 1ha lúa cần lượng nước tương đương nước sinh hoạt cho 1.000 người. Đấy là chưa kể phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhất là công sức của nông dân.
Ở Việt Nam, hơn một nửa trong số 16 lưu vực sông lớn đã từng bị thiếu nước trầm trọng. Nếu chúng ta mỗi người chỉ để lãng phí một bát cơm, sẽ lãng phí cả một nguồn tài nguyên không nhỏ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lãng phí lương thực cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Việc sản xuất ra nguồn lương thực, thực phẩm không chỉ tốn nhân lực mà còn phải sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, phân bón… Lãng phí thực phẩm đồng nghĩa với việc lãng phí những chí phí cho sản xuất, nhiên liệu trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, nhiều thực phẩm bị thối rữa, phát thải khí mêtan, ảnh hưởng đến môi trường.
Nguyễn Linh (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Xách làn đi chợ dịp Tết cổ truyền là hành động đẹp, văn minh đang dần biến mất. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/tet-sach-voi-nhung-viec-nho-62671.html