Tây Ninh: Sức hút từ du lịch tâm linh

(Phapluatmoitruong.vn) – Núi Bà Đen Tây Ninh là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng nhất khu vực Đông Nam Bộ. Bên cạnh chùa bà, Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi luôn thu hút nhiều khách thập phương tìm đến dâng hương và tham quan. 

Chùa bà linh thiêng 

Núi Bà Đen, xã Thạnh Tân, cách trung tâm Tp. Tây Ninh khoảng 11km, là một trong 3 ngọn núi (núi Bà, núi Phụng, núi Heo) thuộc quần thể di tích văn hóa – lịch sử núi Bà Đen với nhiều hang động, đền, chùa. Được mệnh danh là “Nóc nhà Nam Bộ” với độ cao 986m, núi Bà Đen bốn mùa ẩn hiện giữa những làn mây mỏng tựa như chiếc nón lá huyền ảo nằm úp giữa đồng bằng.

Để khám phá núi Bà Đen, du khách có thể lựa chọn đi cáp treo hoặc leo bộ. Hiện nay có hai tuyến cáp treo, một lên đỉnh núi, hai lên chùa Bà. Chùa Bà Đen Tây Ninh, hay còn gọi là chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự, ở độ cao 350m giữa lưng chừng núi Bà Đen. Đây là ngôi chùa cổ xưa và vô cùng linh thiêng tại Tây Ninh với kiến trúc hài hòa mang nhiều nét đẹp đặc trưng của kiến trúc đền chùa Việt Nam. Trong chùa thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (hay còn gọi là Bà Đen). 

Tục truyền rằng, Bà Đen chính là nàng Lý Thị Thiên Hương, con một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng, tài sắc vẹn toàn, có nước da ngăm mặn mà, nên được nhiều chàng trai để ý. Vào ngày rằm hàng tháng, nàng hay lên núi lễ Phật. Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa thì bị một đám côn đồ vây bắt, giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Ðể đền ơn, cha mẹ nàng hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Nhưng thời buổi loạn lạc, chưa kịp thành hôn thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Trong thời gian đó, nàng bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp, để giữ lòng trung trinh, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết. 

Sự linh thiêng của nàng được thể hiện qua 2 lần báo mộng cho vị sư Trí Tân và chúa Nguyễn Ánh, cùng với một lần nhập vào cô gái trẻ tuổi trò chuyện cùng Thượng Quốc công Lê Văn Duyệt. Nàng đã nói về tương lai của vị quan tài ba này cùng nỗi oan của mình. Không lâu sau đó, Thượng Quốc công Lê Văn Duyệt đã tâu lên vua và thay mặt vua phong cho nàng Thiên Hương làm “Linh Sơn Thánh Mẫu”. 

Kể từ đó, những câu chuyện tâm linh về sự linh thiêng của Bà Đen luôn được mọi người truyền tai nhau. Người dân trong và ngoài tỉnh rủ nhau đến cầu bình an, tài lộc với niềm tin mãnh liệt vào Bà.

Uy nghiêm tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn

Nếu bên dưới chùa Bà có thờ Linh Sơn Thánh Mẫu linh thiêng, thì trên đỉnh núi có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn hùng vĩ. Trong không gian mênh mông mây núi đẹp tựa chốn thần tiên, tuyệt tác tâm linh ấy sừng sững trên đỉnh núi như hòa quyện vào đất trời. Với mong muốn kiến tạo nên một công trình mang đậm bản sắc và tinh hoa văn hóa Phật giáo Việt trên đỉnh núi Bà Đen nhằm gia tăng trải nghiệm và ý nghĩa cho hành trình chiêm bái cầu an của du khách, tập đoàn Sun Group cùng nhà điêu khắc Phạm Bá Đua và nghệ nhân Nguyễn Trọng Hạnh đã kỳ công tạo tác. 

Theo đó, Sun Group cùng nhà điêu khắc Phạm Bá Đua lên ý tưởng thiết kế và được nghệ nhân Nguyễn Trọng Hạnh chuyển tải mẫu tượng sang chất liệu đồng đỏ tại làng đúc đồng nổi tiếng Ý Yên, Nam Định. Sau đó, tượng đã được vận chuyển và ngự tọa trên đỉnh núi Bà Đen. Tượng được thiết kế dựa trên nguyên mẫu của tượng Phật thời Lê. Tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng. Hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen tượng Phật thời Lê, với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa. Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đội vương miện chạm khắc hình ảnh Đức Phật A Di Đà, tôn vinh trí tuệ mẫn tiệp và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Đức Phật. Tay trái tượng cầm bình cam lộ đang dốc xuống, biểu trưng cho hành động ban phát phước lành, cứu rỗi con người khỏi khổ đau. Tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudra, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp.

Toàn bộ cụm công trình lấy tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn làm trung tâm, có thiết kế giống như một đóa hoa sen. Từ những cánh sen đó, thác nước đổ xuống chảy tràn về 5 đĩa nước lớn – hình ảnh cách điệu của những cánh sen, được sắp đặt thấp dần về phía Đông, tượng trưng cho Ngũ hành tương sinh, như hiện thân cho sự lan tỏa của từ bi, của chân thiện mỹ tới chúng sinh.

Với tổng chiều cao 72 m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của châu Âu, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh đã xác lập kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi” và kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi”.

Bên dưới tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là một khu trưng bày triển lãm Phật giáo bên trong khối đế 4 tầng độc đáo chưa từng có tại Việt Nam. Tại khu vực đại sảnh mái vòm ở tầng 1, du khách sẽ được mãn nhãn với màn trình chiếu video mapping tái hiện đầy sinh động và chân thực về sự hình thành vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo. Các bức tượng và các trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện) ở tầng 2 thông qua công nghệ hình ảnh 3 chiều hologram được tái hiện vô cùng độc đáo. Không gian tầng 3 trưng bày các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt ở tầng 4 – tầng cao nhất bên trong khối đế tượng có lưu giữ và trưng bày Xá lợi Phật. 

Có không ít du khách khi đến núi Bà Đen cảm thấy khá phân vân lựa chọn giữa việc đi lên chùa dâng hương viếng Bà hay lên đỉnh núi chiêm bái tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Chị Kim Tuyền (Tp.HCM) chia sẻ: “Xem trên sách báo, tivi thấy núi Bà Đen đẹp quá nên tôi quyết định đến tham quan. Do lâu lâu mới có dịp đi chơi nên tôi đã chọn đi cáp treo 2 lượt để vừa có thể đi lễ Bà vừa có thể lên đỉnh núi. Khung cảnh ở đây rất đẹp, có nhiều hoa tươi và không khí trong lành, khiến tâm mình cảm thấy bình an vô cùng”.

Được biết, hiện nhà đầu tư khu du lịch Sun World Baden Mountain vẫn liên tục làm mới, bổ sung nhiều công trình, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều hoạt động thú vị cho du khách vào dịp Xuân 2023. Điều này cũng sẽ góp phần thay đổi diện mạo cho khu du lịch quốc gia núi Bà Đen nói riêng và du lịch tâm linh ở Tây Ninh nói chung. 

Tường Vy

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)