Tây Ninh: Lấy đất có chủ quyền làm lối đi, cần bồi thường theo luật!

Sau nhiều năm cho cháu họ đi nhờ, bà Diên trở thành bị đơn trong vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất.

Cho đi nhờ còn bị khởi kiện

Theo tìm hiểu của PV, nguồn gốc khu đất 2,8 ha này là của gia đình cụ Trần Văn Tắc. Năm 1989, cụ phân chia đầy đủ cho 6 người con gồm: Trần Thị Chỉnh, Trần Thị Mỉnh, Trần Văn Tình, Trần Văn Ái, Trần Thị Kim Hương và Trần Thị Biện. Tất cả đều ở ổn định, lâu dài suốt nhiều năm qua.

Khi phân chia đất cho các con, cụ Tắc đã tính toán lối đi đầy đủ để tránh tranh chấp, kiện tụng về sau. Các lô đất bên trong của gia đình ông Trần Văn Tình, bà Trần Thị Chỉnh và các con có lối đi ra đường An Hội 2 theo đúng “Tờ tương phân đất” năm 1989.  

Sau này, bà Chỉnh chia cho anh Nguyễn Xuân Huấn được hưởng phần đất của cha anh Huấn (đã có lối đi chung ra đường An Hội 2, qua khu đất của anh Nguyễn Văn Tùng – con bà Chỉnh). Tuy nhiên, sau đó, ông Tùng và anh em ông Tùng (là cô, chú anh Huấn) xây cất nhà cửa nên nhà anh Huấn đi lại khó khăn.

Và lối đi mà anh Huấn đang tranh chấp bắt đầu hình thành vào năm 2011, khi xảy ra mâu thuẫn với bà Diên – người cho gia đình anh có lối đi ngang qua đất của bà trong nhiều năm và đã được cấp chủ quyền đầy đủ. Theo đó, anh Huấn là tài xế chạy xe chở hàng thuê, mỗi buổi trưa về nhà nghỉ, khi chạy ngang nhà bà Diên, anh thường rồ ga, bóp còi inh ỏi. Bà Diên bị rối loạn tiền đình nên thường xuyên bị mệt mỏi và mất ngủ. Do vậy, bà Diên kêu anh Huấn khi đi ngang nhà đừng rú ga hay bóp còi, hoặc để xe ở chỗ khác rồi đi bộ vào nhà nhưng Huấn không nghe. Không chịu nổi tiếng ồn, bà Diên dời hàng rào ra cho đường hẹp lại chỉ còn 1,5m và để cho gia đình anh Huấn ra vô bằng xe 2 bánh bình thường.

Bực tức, anh Huấn khởi kiện ra tòa, đòi bà Diên phải chừa cho anh lối đi qua đất của bà?!

Muốn có đường đi, phải bồi thường

Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Tp.HCM từng ra thông báo số 43/TB-VKS-DS ngày 20/11/2017 về việc rút kinh nghiệm vụ “Tranh chấp mở lối đi qua bất động sản liền kề”. Theo thông báo này, TAND huyện Trảng Bàng và TAND tỉnh Tây Ninh cần phải làm rõ vị trí của bất động sản có yêu cầu “quyền đi qua” và các lối đi ra đường giao thông lân cận đường nào là ngắn và thuận lợi nhất để áp dụng pháp luật. Nhưng cấp tòa sơ thẩm đã không làm đúng quy định. Bản án sơ thẩm căn cứ Khoản 3, Điều 254 Bộ luật Dân sự, buộc bà Diên ở vị trí “phần đất phía ngoài” phải có nghĩa vụ với “phần đất phía trong” của anh Huấn là cố tình áp dụng sai pháp luật, sai đối tượng!

Trên thực tế, bà Diên hiện là chủ sử dụng đất hợp pháp toàn bộ phần đất của ông Ái và bà Mỉnh. Vì vậy, nếu các cấp tòa Tây Ninh muốn bà Diên tiếp tục duy trì lối đi này cho gia đình anh Huấn thì bắt buộc anh Huấn phải đền bù cho bà Diên theo quy định pháp luật tại Khoản 1, Điều 254, Bộ Luật Dân sự: Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Nếu các bên muốn sử dụng đường được cấp chủ quyền cho bà Diên thì phải đền bù cho gia đình bà.

UBND huyện Trảng Bàng, nơi cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho bà Diên, cũng khẳng định, bản đồ 2000 và bản đồ 2005 đều không thể hiện có lối đi tranh chấp hay bất kỳ lối đi nào khác tồn tại trên đất của cụ Mỉnh. Điều này phù hợp với thực tế sử dụng đất đối với phần đất không có tranh chấp trước khi bà Diên được cấp GCNQSDĐ vào năm 2010. Do đó, UBND huyện cấp GCNQSDĐ ngày 22/9/2010 cho bà Diên và không thể hiện có lối đi nào trên đất của bà Diên là hoàn toàn đúng thực tế sử dụng đất và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cấp tòa sơ thẩm lại nhận định việc UBND huyện Trảng Bàng cấp GCNQSDĐ cho bà Diên “bao trùm lối đi tranh chấp”?!

Theo GCNQSDĐ anh Huấn được cấp ngày 18/8/2006 không hề có bất kỳ lối đi nào tiếp giáp với đất của gia đình bà Diên, kể cả đất thừa kế của bà Mỉnh. Cùng thời gian đó, gia đình ông Lê Tính Thành (chồng bà Mỉnh) cùng các đồng thừa kế của bà đã tặng cho ông Trần Văn Ái (bố bà Diên) được quyền đăng ký cấp GCNQSDĐ đối với toàn bộ phần đất của cụ Mỉnh và theo xác nhận của UBND xã An Hòa. Tại “Giấy ủy quyền” này, diện tích đất của cụ Mỉnh tính đến ngày 07/02/2006 chỉ còn 4.494 m2 đất, ít hơn 506 m2 đối với phần đất được cụ Tắc tương phân vào năm 1989 là 5.000 m2 đất.

Việc anh Huấn sử dụng phần đất của cụ Mỉnh để ra đường công cộng không được sự đồng ý bằng văn bản của cụ Mỉnh cũng như người thừa kế của cụ Mỉnh. Căn cứ chứng minh chính là “Giấy ủy quyền” của cụ Lê Tính Thành đã xác định, không dành lối đi nào cho hộ gia đình anh Huấn. Anh Huấn cũng không trưng ra được chứng cứ nào là có sự đồng ý này. Do đó, gia đình cụ Mỉnh không dành cho gia đình anh Huấn bất kỳ lối đi nào trên đất của mình và không hề tồn tại lối đi tranh chấp trên đất của cụ Mỉnh.

Các quyết định chưa thấu tình đạt lý

Một điều rất lạ là, năm 2017, TAND huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh từng thụ lý vụ “Tranh chấp về lối đi” giữa anh Huấn và bà Diên, tuy nhiên, khi tuyên án vào tháng 1/2020, Tòa lại đổi thành “Tranh chấp quyền sử dụng đất là lối đi”. 

Không chỉ vậy, tòa sơ thẩm lại phán quyết buộc bà Diên phải cắt đất dành lối đi cho anh Huấn và không bắt buộc anh Huấn phải đền bù gì cho bà Diên. Điều này là không công bằng và không đúng quy định của pháp luật.

Chưa kể, nếu tòa buộc gia đình ông Tùng là đối tượng phải chịu trách nhiệm mở lối đi cho anh Huấn (như nhiều năm qua) mà không phải đền bù thì sẽ hợp tình, hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Phúc Duy Tân, người đại diện cho bà Diên, phân tích: “Lối đi tranh chấp dẫn ra đường đất là đường thuộc QSDĐ của hộ gia đình bà Diên là hợp pháp, không phải đường công cộng. Đường công cộng trong khu vực này là đường An Hội 2 mà hộ ông Tùng có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ của cụ Chỉnh, mở lối đi cho anh Huấn ra đường này”.

Dư luận và gia đình bà Diên đang mong chờ các quyết định thấu tình, đạt lý hơn từ TAND tỉnh Tây Ninh nhằm giữ vững lòng tin vào tinh thần thượng tôn pháp luật và cả tinh thần tương thân, tương ái của các thành viên trong cùng một gia đình.

Lê Hoàng

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Con đường đã được cấp chủ quyền cho bà Diên nhưng vẫn bị tranh chấp.