Tại hội nghị Hội Đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất diễn ra vào ngày 20/9 ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ‘đường cao tốc’ được lãnh đạo UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Điều này cho thấy tính cấp thiết của các tuyến đường cao tốc đối với sự phát triển của vùng Tây Nguyên. Nó được ví như ‘xương sống’ để vực dậy, khai thác thế mạnh vốn tới nay chỉ mới dừng lại ở dạng tiềm năng khi cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông của khu vực này còn rất hạn chế, thiếu tính đồng bộ.
Tây Nguyên có diện tích 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước, có biên giới với Lào và Campuchia. Dân số toàn vùng đạt trên 6 triệu người với đầy đủ 54 dân tộc chung sống. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 xác định: Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.
Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, các ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đều nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tính cấp thiết của các tuyến đường cao tốc đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên.
Hiện nay, cả khu vực này mới chỉ có 19km đường cao tốc, đoạn từ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng tới chân đèo Prenn, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tuyến cao tốc siêu ngắn này chủ yếu phục vụ việc di chuyển từ cảng hàng không Liên Khương tới TP Đà Lạt và chiều ngược lại, không tạo ra động lực để liên kết, phát triển vùng.
Ngày 18/6 vừa qua, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có chiều dài 117,5km đã được khởi công. Các dự án cao tốc còn lại tại khu vực Tây Nguyên mặc dù chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân là gặp những khó khăn, vướng mắc, không chỉ về nguồn vốn mà còn liên quan tới hồ sơ, thủ tục, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi rừng, kiểm tra, thẩm định và cấp phép của cấp có thẩm quyền… Trong đó, tỉnh Gia Lai đang rất muốn triển khai tuyến cao tốc Pleiku – Quy Nhơn (Bình Định), tỉnh Đắk Nông tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành (Bình Phước), tỉnh Lâm Đồng là tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương…
Tỉnh Kon Tum cũng đang đề xuất mở tuyến cao tốc Kon Tum – Quảng Ngãi để tháo thế “độc đạo” của một tỉnh miền núi giáp với Lào và Campuchia. Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc (quy mô dài 66km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng) trong năm 2023, khởi công đoạn Bảo Lộc – Liên Khương (quy mô chiều dài 73,7km, tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng) vào quý I/2024 với quyết tâm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2026.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 xác định rõ quan điểm “Lấy phát triển kết cấu hệ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng” và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế”. Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 95.655 tỷ đồng). Đến nay đã nâng cấp 2 trục dọc là quốc lộ 14, quốc lộ 14C và quốc lộ 20. Nâng cấp các trục ngang gồm các quốc lộ 19, 24, 25, 27, 28, 29, 55 với tổng chiều dài 3.114km để nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, khu vực Đông Nam Bộ, các cảng biển, cửa khẩu với Lào và Campuchia. Hiện đang thi công 126km cao tốc và chuẩn bị đầu tư thêm 169km, phấn đấu đến 2025 Tây Nguyên sẽ có 295km đường cao tốc đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hệ thống giao thông của Tây Nguyên vẫn còn rất hạn chế, phát triển chưa tương xứng với nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Mạng lưới giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ.
Trong quy hoạch hệ thống đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GT&VT xây dựng kế hoạch đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên sẽ phải đầu tư 8 tuyến cao tốc với chiều dài 830km. Năm 2025 phải hoàn thành đầu tư 4 tuyến dài 295km. Bộ GT&VT đang xây dựng kế hoạch đến năm 2030 phải hoàn thành tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa – Chơn Thành, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Quy Nhơn – Pleiku và cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Ngãi. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường cao tốc ở Tây Nguyên khoảng 151.900 tỷ đồng.
Khắc Lịch – Báo CAND
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang được triển khai xây dựng.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://cand.com.vn/giao-thong/tay-nguyen-khao-khat-lam-duong-cao-toc-i708024/