Tây Nguyên: Bộ Y tế phát động chiến dịch phòng chống dịch bạch hầu

Sáng ngày 9/7, tại Hội trường UBND tỉnh Gia Lai, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với các tỉnh tây Nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi. 

Từ cuối tháng 6 đến tháng 7/2020, tại các tỉnh Kon Tum, Đăk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk xuất hiện các ca dương tính với bệnh bạch hầu. Riêng các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi thì ghi nhận có những ca mắc bệnh trong nửa cuối năm 2019 và hiện vẫn trong quá trình chống dịch.

Đến chiều 8/7, toàn vùng Tây Nguyên đã có 68 ca dương tính với bệnh bạch hầu với hơn 10 ổ dịch ở các khu dân cư người dân tộc thiểu số. Nhiều ngôi làng đã được khoanh vùng, cách ly để truy vết nguồn bệnh. Hàng ngàn người trong vùng dịch đã được cho dùng thuốc Td (vaccine uốn ván – bạch hầu giảm liều) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, các địa phương đều chung nhận định, những khu vực có bệnh đều là vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về bảo vệ sức khỏe còn chưa cao, người dân vẫn chưa ý thức được cách phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, vaccine tiêm phòng đối với lứa tuổi trên 7 tuổi còn thiếu nên rất cần được hỗ trợ.

Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên nó có vaccine điều trị và thuốc đặc dụng, nên muốn ngăn chặn nhanh thì khi phát hiện phải điều trị ngay và dự phòng cho toàn khu vực, ngăn ngừa biến chứng, lây nhiễm. “Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vaccine nên các địa phương không cần phải lo về việc này. Dự kiến là hơn 10  triệu liều vaccine sẽ được hỗ trợ cho các địa phương, ngay chiều nay sẽ được chỉ đạo chuyển đến. Ngoài ra, sẽ cung cấp 200.000 khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho mỗi địa phương, nếu thiếu thì Bộ sẽ sẵn sàng chu cấp thêm”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Bên cạnh đó, quyền Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Mặc dù dịch bạch hầu đang như vậy nhưng không được quên COVID-19, vẫn phải đảm bảo triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19. Phải đảm bảo không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì đây là thời điểm quan trọng, cần ngăn ngừa ngay và không để lây lan các dịch bệnh”.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế – TS Nguyễn Thanh Long thăm một học sinh được tiêm chủng tại Lễ phát động.

Chiều cùng ngày, tại Trường Phổ thông Trung học Nguyễn Huệ, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Lễ phát động có sự tham gia của GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo UBND các tỉnh.

Theo đó, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ tháng 7/2020, được triển khai theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Các trạm y tế xã, phường sẽ tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét; các đội tiêm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.

Dự kiến, trong chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vaccine 5 trong 1; 279.608 liều vaccine DPT và 10.111.461 liều vaccine Td. Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại các tỉnh này sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng chống dịch bệnh.

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế – TS Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên sáng nay.