Tập trung ứng phó hạn, mặn

Vừa vượt qua khó khăn năm 2019 để đạt mức tăng trưởng 2,65%, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt thách thức khi bước sang năm 2020. Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2,6-3,04%, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, trước mắt là ứng phó tình hình hạn hán, nước mặn xâm nhập mùa khô.

Nhiều quyết tâm

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm An Giang cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh gặp rất nhiều khó khăn như: thời tiết không thuận lợi, giá lúa, cá tra không ổn định, tình sạt lở đất bờ sông, bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp…

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn, với quan điểm chung là lấy doanh nghiệp (DN) làm trọng tâm.

Theo đó, các cơ chế chính sách đã và đang tập trung tạo điều kiện để các DN phát triển. Tỉnh tiếp tục đồng hành cùng DN, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung, nông nghiệp An Giang năm 2019 đạt được những kết quả quan trọng, làm tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm tiếp theo.

“Liên kết trong nông nghiệp tiếp tục mở rộng, đặc biệt trong ngành thủy sản, đã phát triển thành chuỗi giá trị từ sản xuất con giống đến chế biến xuất khẩu. Đề án giống cá tra 3 cấp đang triển khai thực hiện tạo ra sản lượng con giống lớn, chất lượng cao. Tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng chất lượng và có giá trị kinh tế cao” – ông Lâm nhận xét.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đối với công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ và phát triển rừng, được triển khai đồng bộ. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã về đích sớm hơn 1 năm so kế hoạch (đạt 61/119 xã nông thôn mới). Đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, cơ bản đã khống chế…

Ông Lâm cho biết, chỉ tiêu nghị quyết giao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 từ 2,6-3,04%. “Để hoàn thành nhiệm vụ, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng quý, đồng thời, xây dựng chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, từng huyện, thị xã, thành phố và sẽ tổ chức triển khai đến các địa phương. Trên cơ sở đó, đề nghị cấp ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện cũng như phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp nhằm đạt kế hoạch của ngành đề ra, góp phần đạt kế hoạch kinh tế – xã hội chung của tỉnh” – ông Lâm đề xuất.

Không để thiếu nước

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết, do ảnh hưởng diễn biến lũ nhỏ của năm 2019 nên tình hình khô hạn trong năm 2020 sẽ diễn biến phức tạp. Nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN); mực nước thượng lưu sông Mekong tiếp tục xuống và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn TBNN. Mực nước trên các sông, kênh xuống thấp cộng với thiếu hụt mưa nên hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020 sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn, gay gắt hơn so với TBNN, có khả năng tương đương mùa khô 2015-2016.

“Sở NN&PTNT An Giang sẽ phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2020 và tham mưu tổ chức hội nghị triển khai đến các địa phương” – ông Lâm thông tin.

Về giải pháp trước mắt, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước, độ mặn trên các sông, kênh, rạch, nhất là khu vực miền núi, vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang để thông tin, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng tránh. Các địa phương cần chủ động cân đối nguồn vốn hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, vốn hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa của địa phương quản lý nhằm chủ động, kịp thời nạo vét các công trình kênh mương bị cạn kiệt, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất và nước sinh hoạt của người dân; chỉ đạo đơn vị quản lý công trình thủy lợi tổ chức vận hành hợp lý các công trình cống, bọng để điều tiết, trữ nước vào kênh, rạch tạo nguồn.

“Cần rà soát, kiểm tra các hệ thống trạm bơm điện, chủ động tu bổ, sửa chữa các sự cố hư hỏng, theo dõi mực nước thủy triều để lấy nước phục vụ bơm tưới cho những vùng bị thiếu nước cục bộ, đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang chuẩn bị máy móc để tổ chức bơm cấp 2 khi cần thiết. Đối với vùng cao Tri Tôn, Tịnh Biên, thường bị thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, cần phải tổ chức cấp, chuyển nước đảm bảo đủ sinh hoạt cho nhân dân, thực hiện bơm chuyền cấp 2, cấp 3 đảm bảo phục vụ sản xuất” – ông Lâm yêu cầu.

Đối với các vùng không chủ động nước tưới, cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, sử dụng ít nước tưới hơn để tránh thiệt hại do thiếu nước gây ra. Đồng thời, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, khi lượng du khách đến tham quan các điểm du lịch tại các khu vực đồi núi, rừng tràm Trà Sư sẽ tăng…

Ngô Chuẩn – Báo An Giang

Theo An Giang

Ảnh: Mực nước trong mùa khô đang xuống thấp

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baoangiang.com.vn/tap-trung-ung-pho-han-man-a262583.html