• 0942.210.185
  • baodientuphapluatmoitruong@gmail.com
Trang chủ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục được...

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục được phê duyệt tính điểm 0.5

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, chỉ số ISSN 1859-3674, thuộc Hội đồng Giáo sư ngành Xây dựng – Kiến trúc tiếp tục duy trì điểm số 0.5 điểm.

Ngày 5/7/2024, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-HĐGSNN phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024. Theo đó, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, chỉ số ISSN 1859-3674, thuộc Hội đồng Giáo sư ngành Xây dựng – Kiến trúc tiếp tục duy trì điểm số 0.5 điểm.

Thành lập ngày 14/8/1998, trên cơ sở một Đặc san, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam ngày hôm nay đã trưởng thành với nhiều bước tiến quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung cho ngành Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực môi trường, đô thị, khu công nghiệp Việt Nam trong tình hình mới. Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Với uy tín và sức ảnh hưởng của một tạp chí được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phê duyệt khi tính điểm công trình khoa học, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tham gia công bố, chia sẻ các công trình nghiên cứu của mình. Vì vậy từ lâu Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam đã trở thành một nguồn thông tin tham khảo quan trọng của các nghiên cứu sinh ngành môi trường, đô thị, kiến trúc, xây dựng…

Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, mỗi tuần, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đều công bố một số Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường (bằng tiếng Anh và dịch tóm tắt ra tiếng Việt), bao gồm những công trình nghiên cứu khoa học mới nhất về quản lý môi trường, môi trường đô thị, môi trường khu công nghiệp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín trên thế giới. 

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (bản in) nằm trong Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm từ năm 2010 đến nay của Hội đồng Giáo sư ngành Xây dựng – Kiến trúc là sự ghi nhận của các Hội đồng Giáo sư ngành với những nỗ lực phát triển của Tạp chí, cũng là động lực để Tạp chí tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng nội dung, ngày càng tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

QUY ĐỊNH VỀ BÀI BÁO KHOA HỌC GỬI ĐĂNG TRÊN
TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐÔ THỊ VIỆT NAM (BẢN IN)

I. QUY ĐỊNH VỀ CẤU TRÚC NỘI DUNG BÀI VIẾT

Tên bài (Title)

Tên bài phải nêu được nội dung chính của bài viết, nêu bật vấn đề muốn giải quyết và có yếu tố mới (không quá 20 chữ).

Thông tin tác giả (Authors’ information)

Họ và tên (kèm học hàm/học vị):

Nơi công tác:

Số điện thoại:

Email:

Địa chỉ:

Tóm tắt (Summary or Abstract)

Phần này được thể hiện thành một đoạn văn duy nhất (Paragraph) tóm tắt công trình nghiên cứu của bài báo, từ 100 đến 200 chữ. Nội dung cần thể hiện đầy đủ các mặt: (1) Tầm quan trọng và mục đích của nghiên cứu; (2) Phương pháp nghiên cứu sử dụng; và (3) Những kết quả chính của nghiên cứu.

Tóm tắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Từ khóa (Keywords)

Tác giả cần đưa ra 3 đến 5 từ khoá của bài viết theo thứ tự alphabet, thể hiện đặc trưng cho chủ đề của bài viết.

1. Giới thiệu (Introduction)

Phần giới thiệu cần thể hiện được: (1) Tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu; (2) Xác định vấn đề nghiên cứu, đặc biệt, phải làm rõ tính mới của nghiên cứu; và (3) Nội dung chính mà bài báo sẽ tập trung giải quyết.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Đây là nội dung chủ yếu, quyết định hàm lượng khoa học của bài báo. Nội dung bao gồm 2 phần:

(1) Cơ sở lý thuyết và khung phân tích (Theoretical basis and Analysis framework)

Nội dung phần này cần: (i) Trình bày rõ nguồn gốc lý thuyết liên quan, nhất là tên tác giả, năm công bố và luận điểm của lý thuyết; (ii) Trên cơ sở kế thừa các lý thuyết và kết quả của các công trình nghiên cứu thực nghiệm, tác giả cần đưa ra khung lý thuyết phục vụ cho nghiên cứu của mình.

(2) Phương pháp nghiên cứu (Research Methods)

Tác giả có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính hoặc định lượng tùy theo khả năng và cách tiếp cận. Tuy nhiên, trong phần này, tác giả cần thể hiện được các vấn đề sau: (i) Mô hình định tính hoặc định lượng sử dụng cho nghiên cứu; và (ii) Phương pháp thu thập số liệu.

Đối với phương pháp thu thập số liệu, nghiên cứu cần thể hiện một cách rõ ràng phạm vi nghiên cứu và cách thức thu thập số liệu. Vì luận cứ khoa học của những giải pháp hoặc gợi ý chính sách phải dựa trên những dữ liệu đại diện cho số đông đối tượng nghiên cứu, nên người đọc rất quan tâm tới cách thức thu thập dữ liệu của nghiên cứu.

3. Kết quả và thảo luận

(1) Kết quả nghiên cứu (Research Results)

Mục này tóm tắt những kết quả nghiên cứu. Dữ liệu được trình bày theo bảng biểu, đồ thị, hình vẽ… Những dữ liệu đã ghi theo bảng không cần trình bày lại theo hình vẽ hay biểu đồ. Mục này nên tập trung vào những xu hướng và khác biệt chính.

(2) Thảo luận kết quả nghiên cứu (Discussion)

Đây là phần thể hiện sự đóng góp của tác giả/các tác giả bổ sung cho lý thuyết và kiến thức. Cần diễn giải phân tích kết quả và rút ra những mối quan hệ chung, mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả/nhóm tác giả với những phát hiện khác trong nhóm nghiên cứu trước đó.

4. Kết luận và khuyến nghị giải pháp (Conclusions and Policy implications)

Trình bày kết quả phát hiện kèm theo gợi ý chính sách và kiến nghị giải pháp. Giải pháp cần đảm bảo sự nhất quán: Lý thuyết – bằng chứng từ phân tích thực tiễn – giải pháp được thể hiện trong bài báo khoa học. Các bài viết cần có gợi ý chính sách với những nội dung hay các giải pháp, biện pháp phù hợp với chủ đề nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo

– Tài liệu tham khảo là các văn bản hành chính nhà nước:

Tên cơ quan ban hành (năm xuất bản). Tên văn bản, ngày ban hành, nội dung văn bản.

– Tài liệu tham khảo là sách, giáo trình, luận án, báo cáo, tài liệu nghiệp vụ:

Tên các tác giả hoặc cơ quan ban hành (năm xuất bản). Tên sách, luận án, báo cáo, tài liệu, Nhà xuất bản, nơi xuất bản.

– Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, chương, bài trong một cuốn sách, bài viết hội thảo:

Tên tác giả (năm công bố). Tên bài, Tên tạp chí hoặc tên sách, Tập, Số, các số trang.

– Tài liệu tham khảo trên Internet:

Tên tác giả (thời gian đăng tải). Tên tài liệu, truy cập từ URL (đường dẫn tới nội dung trích dẫn).

II. QUY ĐỊNH VỀ HÌNH THỨC TRÌNH BÀY

Bài viết phải được soạn thảo bằng phần mềm Microsoft Word, sử dụng bộ mã Unicode (Times New Roman, size: 14). Các công thức trình bày trong bài viết phải giữ nguyên định dạng, không chuyển (convert) qua dạng ảnh (picture).

Các bảng dữ liệu trình bày trong bài viết được ghi thống nhất là Bảng. Tên bảng đặt phía trên nội dung Bảng và được đánh số riêng biệt theo thứ tự liên tục bằng chữ số A-rập. Sử dụng định dạng bảng (table), trình bày dạng gốc không chuyển (convert) qua dạng ảnh (picture).

Các đồ thị, biểu đồ, sơ đồ, hình vẽ trong bài được ghi thống nhất là Hình. Tên Hình đặt phía dưới nội dung Hình và được đánh số riêng biệt theo thứ tự liên tục bằng chữ số A-rập. Tác giả cần đính kèm file gốc bằng Microsoft Excel, file ảnh gốc (jpeg, png…) chương trình đồ họa thiết kế khác (Corel Draw, Adobe Photoshop, Adobe Illustrator…) hay đường dẫn trên Internet nếu hình được tải xuống để đảm bảo chất lượng hình ảnh.

Bảng/Hình nào được trích dẫn cần phải ghi rõ tên nguồn (trích dẫn trong bài và cả trong phần tài liệu tham khảo). Nguồn được đặt dưới cùng của Bảng/Hình.

III. THỂ LỆ GỬI BÀI BÁO KHOA HỌC ĐẾN TẠP CHÍ

Bài gửi Tạp chí phải là những bài báo khoa học chưa từng được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Bài viết gửi đến Ban Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam thông qua hộp thư Tòa soạn: quanlymoitruongvietnam@gmail.com

Lâm Hà

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Phiên họp lần thứ I của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029