Tăng tốc dự án ‘rùa bò’ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 vừa được Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo Công ty cho biết, dự kiến công tác thi công năm 2019 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục nền đường, cọc khoan nhồi, triển khai móng cấp phối đá dăm.

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 được triển khai trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ về việc đảm bảo tiến độ hoàn thành thông tuyến Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Dự án) giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT vào cuối năm 2020.

Trước đó, ngày 20/02/2019, Thường trực Chính phủ đã họp với các bên liên quan đến Dự án, yêu cầu Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cần thực hiện ngay việc cơ cấu cổ đông Công ty và có cam kết của Đại hội cổ đông công ty về việc đảm bảo tiến độ hoàn thành thông tuyến Dự án vào cuối năm 2020.

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận phát biểu tại Đại hồng đồng cổ đông bất thường năm 2019.

Tại Đại hội, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo hợp nhất của HĐQT, BKS, Ban điều hành, báo cáo của Chủ tịch HĐQT, kế hoạch giải ngân và kế hoạch ngân sách để đảm bảo tiến độ dự án, sửa đổi điều lệ công ty, các cổ đông hiện hữu thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp dự án, giao cho Chủ tịch HĐQT ban hành nghị quyết và tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Cũng tại đại hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đưa ra các yêu cầu đối với Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị nhằm đảm bảo việc điều hành Công ty đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ triển khai Dự án. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu xác lập vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, đưa ra các mốc hoàn thành.

Tăng tốc dự án “rùa bò”

Dự án cao tốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối khu vực ĐBSCL với TP. HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Một tuyến đường mà khi được hoàn thành sẽ tham gia giải quyết một phần quan trọng tình trạng ứ tắc trước nhu cầu giao thông và lưu thông hàng hóa đang ngày càng trở nên cấp bách, nối kết thông suốt các tỉnh ĐBSCL với những khu vực kinh tế dân sinh lớn.

Dự án này có chiều dài 51.1Km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung.

Tuyến chính dự án xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, được phân kỳ đầu tư thành 02 giai đoạn, trong đó quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh với 6 làn xe (Bnền=32,25m, vận tốc thiết kế Vtk=100km/h); quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 4 làn xe (Bnền=17,0m, vận tốc thiết kế 80km/h).

Các tuyến nối với QL1, Đường tỉnh 878 có tổng chiều dài khoảng 5,9km với Bnền= 12,0m và mở rộng khoảng 1,2km QL30 với Bnền= 23,5m đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; Đường gom đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn (GTNT) loại B theo TCVN 10380: 2014, Bnền =5,0m. Chiều dài khoảng 46Km.

Tuy nhiên, Dự án này đã gặp nhiều vướng mắc khó khăn trong hơn 10 năm qua. Mặc dù, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, Bộ GTVT, Chính quyền địa phương đã thực hiện các biện pháp tháo gỡ, tuy nhiên Dự án vẫn không triển khai được, sau 10 năm dự án mới thực hiện được 15%, đến tháng 01/2019 Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ trong đó có đề xuất phương án thu hồi dự án, thanh lý hợp đồng, xử lý tranh chấp…

Dự án tái khởi động từ ngày 07/02/2015, do nhà đầu tư liên danh Tuấn Lộc – Yên Khánh – BMT – Thắng Lợi – Hoàng An – Công ty Cổ phần Đầu tư cầu đường CII; Đại diện CQNNCTQ: Tổng công ty ĐTPT và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM).

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2020. Ngày 31/8/2018 Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận tiến độ hoàn thành dự án đến hết 31/12/2020.

Tuy vậy, các khó khăn chưa được tháo gỡ sẽ dẫn đến việc có thể phải dừng Dự án do không triển khai được, gồm: việc nhà đầu tư – Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh liên quan đến các vụ án hình sự đang bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra làm rõ, các điều kiện giải ngân vốn tín dụng bất hợp lý, các cơ sở đầu vào của Phương án tài chính không đảm bảo, lãi suất vay vốn tín dụng thấp, tổng mức đầu tư không đảm bảo,…

Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án được 49,19/51,1Km, đạt khoảng 96% (tuy nhiên vẫn còn tình trạng “da beo” trong phạm vi đã bàn giao nên gây nhiều khó khăn cho việc triển khai thi công). Việc thi công các hạng mục chính mới đạt khoảng 13,42% sản lượng.

Dự án được đánh giá là không có cở sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Trước những khó khăn vướng mắc mà Dự án đang gặp phải, Dự án có nguy cơ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hợp đồng dự án, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và các cổ đông đã mời Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) tham gia xử lý tháo gỡ cho Dự án. Sau khi nhận lời, Tập đoàn Đèo Cả đã cử các nhân sự cao cấp tham gia vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành Công ty sau khi được các cổ đông đồng thuận.

HĐQT Công ty đã thống nhất bầu ông Hồ Minh Hoàng làm Chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm ông Mai Mạnh Hồng là Tổng giám đốc Công ty kể từ ngày 31/01/2019.

Công ty đã điều chỉnh Giấy đăng ký kinh doanh ngày 31/01/2019, với nội dung thay đổi người đại diện pháp luật. Cụ thể người đại diện pháp luật của Công ty hiện nay bao gồm các ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT; Mai Mạnh Hồng – Tổng Giám đốc; Phan Anh Dũng – Giám đốc.

Sau khi tăng cường nhân sự cao cấp để quản trị và điều hành, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã rà soát lại Dự án và đề xuất với Chính phủ, Bộ GTVT các giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn.

Hiện tại các đề xuất của Công ty đã cơ bản được Chính phủ và các Bộ, ngành đồng thuận qua các văn bản như: Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 18/02/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng…, Đặc biệt, Thường trực Chính phủ đã họp vào ngày 20/02/2019 và đã có Kết luận việc tháo gỡ các vướng mắc của dự án tại Thông báo số 99/TB – VPCP ngày 18/3/2019. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo: tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước, sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng dự án; Đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang; Thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật đảm bảo phương án hoàn vốn cho dự án không quá 15 năm;…

Ông Mai Mạnh Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương Mỹ Thuận phát biểu tại Đại hội. Ảnh Phó Bá Cường

Ngoài ra,Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo UBTVQH quyết định bố trí nguồn vốn NSNN hỗ trợ dự án từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội để hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay và các chi phí hợp lý, hợp lệ của Dự án.

Trên cơ sở đó, Ban điều hành sẽ phê duyệt lại tiến độ thi công chi tiết của từng hạng mục, từng gói thầu (bao gồm cả vấn đề huy động tập kết vật tư, vật liệu, nhân sự, thiết bị thi công,…) và thống nhất với các Nhà thầu ký cam kết (kể cả việc huy động vốn tín dụng ngắn hạn của nhà thầu để thi công trước khi giải ngân được vốn vay ngân hàng) với chủ đầu tư đảm bảo tiến độ thi công dự án, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang để nhận bàn giao mặt bằng những vị trí còn lại.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, dự kiến công tác thi công năm 2019 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục nền đường, cọc khoan nhồi, triển khai móng cấp phối đá dăm… Phấn đấu thi công đại trà hạng mục bê tông nhựa mặt đường, các hạng mục trạm thu phí và hệ thống ATGT để hoàn thành trong quý III/2020, hướng đến mục tiêu hoàn thành thông tuyến vào tháng 12/2020 đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về vấn đề giải quyết các vướng mắc liên quan đến pháp luật của nhà đầu tư – Công ty Yên Khánh, ông Hồ Minh Hoàng- Chủ tịch Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: ” Bộ Công an có ý kiến đề xuất xem xét tham khảo kinh nghiệm xử lý các vướng mắc của Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo cách mà Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia giải quyết khó khăn tại Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đến nay tiến độ Dự án Bắc Giang – Lạng Sơn đảm thi công đạt 85% (vượt 18% so với kế hoạch) dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2019. Tương tự như tình trạng Công ty Yên Khánh thì tại Dự án cao tốc BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cũng phải giải quyết các liên quan đến vụ án đánh bạc và rửa tiền của bị can Nguyễn Văn Dương, và đến nay các vấn đề đã được làm rõ thông qua kết luận của khối Nội chính (bao gồm: Công an, Viện kiểm sát và Tòa án) tại Văn bản số 41/CA-ANĐT của CQCSĐT và VKS Phú Thọ”.

“Tôi tin, khi tất cả các cổ đông đồng lòng cùng nhau hợp lực, với sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ, ngành và địa phương thì việc đưa Dự án về đích đúng hẹn là điều chúng ta sẽ làm được”, ông Hồ Minh Hoàng nói.

Tiến Vinh – Báo VnMedia

Theo VnMedia

Ảnh: Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chậm tiến độ trong nhiều năm. Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

http://vnmedia.vn/kinh-te/201903/tang-toc-du-an-rua-bo-cao-toc-trung-luong-my-thuan-629706/