Theo các chuyên gia, cần tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ đó làm thay đổi thói quen sử dụng của các tổ chức, cá nhân.
Túi nylon – hại nhưng vẫn dùng
Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải được sản sinh ra đủ phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao do rác thải nhựa. 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.
Số liệu của Bộ TN&MT cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi nylon, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỉ túi/năm. Đây là một gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là ô nhiễm trắng.
Theo thống kê, lượng túi nylon mỗi hộ gia đình tiêu thụ trung bình khoảng 1kg túi nylon/tháng. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi nylon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người, đến nay là trên 41kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là 3,8kg/người/năm.
Thực tế, việc người dân sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần hiện vẫn còn khá phổ biến, thậm chí nhiều người rất thích dùng túi nylon vì tiện lợi, đáp ứng công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa và giá thành sản xuất rẻ. Được biết, túi nylon có nhiều loại cỡ từ 0,5kg, 2kg đến 5kg đều có giá bán từ 27.000 – 35.000đ/kg tùy từng chất lượng túi. Về số lượng, loại túi 5kg thì được khoảng 150 – 200 cái/kg, còn loại 2kg sẽ được 300 – 350 cái/kg. Tại Hà Nội, trong một số siêu thị lớn, với túi nylon đựng rác sẽ có giá từ 43.000 – 100.000đ/kg; còn túi nylon bọc thực phẩm sẽ có giá 80.000 – 140.000đ/kg.
Cần tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nylon
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại buổi Toạ đàm trực tuyến với Chủ đề “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” diễn ra ngày 9/6, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực như: Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa. Sử dụng vật liệu thay thế túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng công nghệ tái chế rác thải túi nylon, rác thải nhựa. Sử dụng trang bị thùng thu gom đồ nhựa, túi nylon tại các điểm thu gom rác, tránh vứt bừa bãi.
Hạn chế sử dụng túi nylon, đồ nhựa sử dụng một lần và thay thế bằng đồ sử dụng nhiều lần như túi, giỏ đi chợ bằng vải, sứ, gỗ, tre… Các hộ gia đình cần phân loại rác thải nhựa trước khi mang ra điểm tập kết rác, hoặc để người thu gom rác đến xử lý giúp việc tái chế nhựa dễ dàng hơn.
Các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, và mỗi cá nhân cần hạn chế dùng cốc nhựa, túi nylon, các đồ dùng nhựa 1 lần và thay vào đó hãy sử dụng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Nâng cao giá bán và thuế các sản phẩm túi nylon và đồ nhựa dùng 1 lần. Thay thế túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là yêu cầu cấp bách.
“Cần tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ đó làm thay đổi thói quen sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, tại các cửa hàng, thay vì phát miễn phí túi đựng hàng hóa mua về thì yêu cầu người dân phải mua túi để thay đổi thói quen mua bán”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Cũng từng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, rác thải nhựa đang gia tăng không ngừng và hiện hữu mối hiểm họa khôn lường với môi trường sống. Việc đánh thuế bảo vệ môi trường túi nylon không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng. Đây được coi là một trong những giải pháp để hạn chế sử dụng sản phẩm có hại và hủy hoại môi trường, tuy nhiên không được như kỳ vọng.
“Mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nylon là 50.000đ/kg trong khi giá bán sản phẩm này trên thị trường chỉ 20.000 – 30.000đ/kg, rõ ràng là có vấn đề. Chả ai kinh doanh mà để tiền bán ra thấp hơn tiền thuế cả. Thực tế, nếu giá bán túi nylon thấp hơn giá thuế thì chắc chắn có vấn đề hoặc túi đó là sản xuất lậu. Ở đây cần phải quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý cụ thể là trách nhiệm của người đứng đầu quản lý thị trường”, ông Thịnh cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu tính đúng, đủ và giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nylon, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nylon phải bán cao gấp ít nhất 4 – 5 lần hiện nay. Bởi ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000đ/kg, một ký túi nylon còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn… Vì thế, để kiểm soát và ngăn chặn được việc này cần bài toán quyết liệt và lâu dài.
Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Để tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, hướng sửa đổi là mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc. Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nylon. Cùng với đó, chỉ thị cũng nêu rõ Bộ Tài chính phối hợp Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa. Xem xét cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với túi nylon thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra việc tuân thủ chính sách thuế bảo vệ môi trường, các quy định môi trường của các cơ sở cung cấp túi nylon cho các chợ dân sinh và cửa hàng buôn bán nhỏ; kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. |
Minh Phương – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Bãi biển Việt Nam ngập trong rác thải nhựa.
Xem bài viết gốc tại đây: