Ngày nay, tầm ảnh hưởng của các tổ chức xã hội (TCXH) ở các quốc gia được lan rộng, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững.
Vì vậy, việc tăng cường vai trò của các TCXH trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Môi trường là nơi con người sinh sống và tồn tại, phát triển về mọi mặt như tinh thần, vật chất và tâm lý. Môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người và các động thực vật xung quanh. Để sống và làm việc, chúng ta cần một không gian sống, cung cấp những tài nguyên cần thiết cho việc sản xuất, phát triển kinh tế, các nhu cầu khác của con người… Và con người đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường sống của mình qua các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Tài nguyên thiên nhiên bao gồm các tài nguyên có thể tái tạo (vô hạn) và các tài nguyên không có khả năng tái tạo (hữu hạn) có tác dụng phục vụ cuộc sống con người và các sinh vật xung quanh nhằm cân bằng hệ sinh thái. Nguồn tài nguyên càng dồi dào sẽ cung cấp phần lớn hoạt động sống của con người như: cung cấp nơi ở, thức ăn, tư liệu sản xuất, trao đổi buôn bán nhằm phục vụ mục đích kinh tế. Tài nguyên thiên nhiên xuất hiện xung quanh môi trường sống của con người, có trong sinh quyển, khí quyển, thủy quyển và thạch quyển. Cho tới khi con người có thể tìm ra các nguồn tài nguyên từ các hành tinh khác để phục vụ cho đời sống thì trái đất là nơi duy nhất mà con người có thể khai thác tài nguyên.
Với đà tăng trưởng dân số hàng năm kèm theo sự phát triển về khoa học kỹ thuật ngày càng vượt bậc thì nguồn tài nguyên sẽ càng bị hao tổn nhiều, kèm theo đó các loại khoáng sản sẽ cạn kiệt theo giới gian. Vì vậy, Nhà nước và các chủ thể quản lý xã hội về môi trường cần sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách phù hợp, hiệu quả, đồng thời có kế hoạch tái tạo nguồn tài nguyên nhằm phục vụ cho cuộc sống và định hướng các cá nhân có ý thức bảo vệ và sử dụng tài nguyên hợp lý.
Trong một xã hội đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa hàng loạt cộng với việc dân số tăng mạnh sẽ tỷ lệ thuật với lượng chất thải đẩy ra môi trường, từ đó môi trường sẽ không kịp phân hủy chất thải dẫn đến việc quá mức chịu tải của môi trường. Do đó, quản lý xã hội về môi trường cần phát huy vai trò của mình nhằm giảm thiểu và quản lý chất thải, có những chính sách hợp lý để bảo vệ môi trường sống của con người cũng như những sinh vật xung quanh, cân bằng hệ sinh thái.
Hiện nay, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững ở nhiều quốc gia.
Những năm gần đây, môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước vì nó có tầm quan trọng đặc biệt và không thể thiếu cho sự tồn tại của con người, sự phát triển về kinh tế, văn hóa. Môi trường bị biến đổi sẽ gây ra vấn đề nguy hiểm đến con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường đang bị tàn phá nặng nề, ô nhiễm trầm trọng do hoạt động sản xuất của con người.
Con người hủy hoại môi trường sống nhằm mục đích phát triển kinh tế, điều này sẽ dẫn đến sự biến đối của môi trường kèm theo rất nhiều hệ lụy nguy hiểm như: hạn hán, lũ lụt… được gọi chung là thiên tai; những vấn đề này ngày càng xảy ra một cách thường nguyên và mức độ nguy hiểm cũng theo đó mà tăng vọt. Ảnh hưởng về môi trường của một quốc gia không gói gọn sự ảnh hưởng của nó trong quốc gia đó mà nó còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường thường xuyên cảnh bảo những mối đe dọa, những thảm họa mà con người sẽ phải gánh chịu nếu thường xuyên tàn phá môi trường. Chính vì vậy, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội mang ý nghĩa và tầm vóc hết sức quan trọng.
Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường
Hiện nay, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững ở nhiều quốc gia. Các tổ chức xã hội không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng mà còn giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường. Vì vậy, cần tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho cộng đồng và toàn xã hội. Đặc biệt, cần khuyến khích các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động theo dõi, phát hiện, tố giác sai phạm về pháp luật bảo vệ môi trường, cũng như quá trình thực thi, giám sát chính sách và thực hành quyền môi trường.
Đồng thời, tăng cường sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sự phối hợp trong nội bộ các tổ chức xã hội; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong hoạt động tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, giám sát thực thi pháp luật.
Nguyễn Đăng Thái
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Các TCXH có vai trò kết hợp cùng với chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và các vấn đề chính trị trong xã hội.