Tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường tại các cơ sở sản xuất, chế tác đá

Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ sở sản xuất, chế tác đá được thành lập, ngày càng phát triển và mở rộng quy mô, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, nghề sản xuất và chế tác đá cũng có nhiều bất cập, nhất là đối với môi trường.

Tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường tại các cơ sở sản xuất, chế tác đá

Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ sở sản xuất, chế tác đá được thành lập, ngày càng phát triển và mở rộng quy mô, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, nghề sản xuất và chế tác đá cũng có nhiều bất cập, nhất là đối với môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có gần 100 cơ sở sản xuất, chế tác đá, tập trung ở 2 xã Vĩnh Minh và Vĩnh Thịnh. Một số doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất lên đến hàng tỷ đồng, thu hút, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, nghề chế tác đá phải đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, các cơ sở thải ra môi trường hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý; bột đá kèm theo khói bụi nhưng đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ chú trọng sản xuất, thiếu quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường. Cùng với khói bụi là tiếng ồn, do tiếng cưa, mài đá gây nên. Bên cạnh đó, môi trường lao động chưa bảo đảm an toàn, nhiều công nhân không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, kính, khẩu trang,… tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục một cách triệt để còn do chế tài xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng đến môi trường chưa đủ sức răn đe, nên nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tâm lý chịu nộp phạt còn hơn là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định, tốn nhiều kinh phí. Qua đó cho thấy, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề khá nan giải trong nghề sản xuất và chế tác đá.

Nhận thức được tình trạng “báo động” về ô nhiễm môi trường, đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nhất là các cơ sở sản xuất, chế tác đá. Các xã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở trong quá trình sản xuất phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu bụi, nước thải, tiếng ồn… có ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở gây ô nhiễm và lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để tập kết nguyên vật liệu, sản phẩm. Ngoài ra, các cơ sở đủ điều kiện được thành lập mới trước khi đi vào hoạt động bắt buộc phải đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp như: Toàn bộ khu sản xuất phải xây dựng tường rào, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, dùng bạt che chắn để hạn chế phát tán bụi,… nhằm cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Qua thời gian tuyên truyền, vận động, đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường đã có chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư trang thiết bị dẫn nước tới khu vực sản xuất, lắp đặt máy cắt đá CNC nhằm giảm thiểu khói bụi; đồng thời, bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, thay thế lao động thủ công…

Có thể nói, việc ô nhiễm môi trường đang là vấn đề khá nan giải trong nghề sản xuất và chế tác đá. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xử lý, khắc phục rất tốt tình trạng này. Điển hình như doanh nghiệp sản xuất đá của gia đình anh Phạm Hồng Quang, phố Tây Sơn 1, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa). Là doanh nghiệp chế tác đá lâu năm, ý thức được tầm quan trọng của việc xử lý môi trường, anh đã chủ động đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng bể lắng lọc xử lý chất thải quay vòng. Với quy trình xử lý khép kín, nước thải trong quá trình chế tác đá qua hệ thống bể lắng lọc sẽ được đưa trở lại để tái sử dụng trong quá trình sản xuất chứ không xả trực tiếp ra môi trường. Với hệ thống xử lý quay vòng này, không những giúp giải quyết tốt vấn đề môi trường mà còn tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất. Cũng theo anh Quang, được sự hướng dẫn của lãnh đạo UBND phường An Hoạch, hầu hết các cơ sở chế tác đá tại địa phương đều có ý thức sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Thực hiện các biện pháp như: Sử dụng các thiết bị phun sương, các loại máy cắt bằng lưỡi dây để giảm thiểu tiếng ồn cũng như khói bụi… Bên cạnh đó, người dân đã thành lập tổ kiểm tra định kỳ nhằm tuyên truyền đến các cơ sở về việc thực hiện bảo vệ môi trường, kêu gọi người dân trồng thêm nhiều cây xanh,…

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở các cơ sở sản xuất, chế tác đá, công tác bảo vệ môi trường đã và đang được chú trọng. Tuy nhiên, tại các cơ sở quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn còn hạn hẹp, vấn đề đầu tư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Nhằm từng bước khắc phục, hạn chế vấn đề trên, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến đá. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng như vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm của các cơ sở trong lĩnh vực này. Đồng thời, người dân cũng cần có sự chủ động các biện pháp trồng nhiều cây xanh… để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của nghề này đối với môi trường.

Lê Ngọc – Báo Thanh Hóa

Theo Thanh Hóa

Ảnh: Cơ sở sản xuất, chế tác đá tại xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc).

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-moi-truong-tai-cac-co-so-san-xuat-che-tac-da/103053.htm