Giai đoạn 2021-2030, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tăng cường liên kết, qua đó thúc đẩy sự phát triển trên tất cả các mặt đời sống, kinh tế – xã hội.
Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ
Là doanh nghiệp vận tải hàng hóa chở hàng đi các tỉnh, thành phía Nam, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, hiện đường bộ vẫn mang tính chủ đạo trong quá trình vận chuyển hàng hóa nhưng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã quá tải, thường xuyên kẹt xe, gây mất an toàn giao thông cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế của cả vùng.
Còn theo kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng thành phố Hồ Chí Minh, thành phố là trung tâm của cả khu vực phía Nam. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ và hoàn chỉnh. Cụ thể, các dự án thiết yếu, trọng điểm quốc gia và liên kết vùng… chưa hoàn thành đầu tư, tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra. Trong khi, sự quá tải hệ thống hạ tầng giao thông đô thị ngày càng thể hiện rõ khi tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp trên các tuyến trục chính, các cửa ngõ ra vào thành phố, sân bay…, gây trở ngại phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy hoạch có 6 tuyến cao tốc liên vùng với tổng chiều dài khoảng 353km, quy mô 6-8 làn xe. Nhưng hiện mới chỉ đầu tư được 3 tuyến, đối với 3 tuyến còn lại chưa có chủ trương đầu tư, gồm: Biên Hòa – Vũng Tàu; thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Về tuyến vành đai, theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh lân cận qua tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 nhưng đang giai đoạn nghiên cứu đầu tư. Cụ thể, đường Vành đai 3, dài khoảng 89km. Trong đó, đoạn từ Tân Vạn – Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương) dài 16km đang khai thác. Các đoạn còn lại đang trong quá trình nghiên cứu kêu gọi đầu tư. Đường Vành đai 4, dài khoảng 198km, tiêu chuẩn đường cao tốc, kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Long An, cũng đang chuẩn bị đầu tư.
Hệ thống đường sắt quốc gia, theo quy hoạch, bổ sung 8 tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm, tổng chiều dài 697km. Trong đó, tuyến Trảng Bom – Hòa Hưng (Đồng Nai – thành phố Hồ Chí Minh) đang triển khai cắm mốc quy hoạch; tuyến Dĩ An – Lộc Ninh (Bình Dương – Bình Phước), Biên Hòa (Đồng Nai) – Vũng Tàu, đã lập dự án đầu tư nhưng chưa xác định được nguồn vốn… Ngoài ra, tuyến đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, dài hơn 173km (đi qua thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ), mới chỉ dừng lại đề xuất đầu tư xây dựng.
Tăng cường đầu tư các dự án có tính kết nối liên vùng
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần thay đổi tư duy chiến lược và phương thức hành động trong việc phát triển kết cấu hạ tầng vùng Nam Bộ, tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thay đổi cơ chế phát triển của cả vùng.
Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối; ban hành quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương.
Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng thông tin, giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch các dự án có tính kết nối liên vùng để giảm tải mật độ giao thông trên các trục huyết mạch và cửa ngõ. Cụ thể, quy hoạch chi tiết vị trí cầu Cát Lái và trục kết nối thành phố từ phía Đông (Vành đai 2) với cao tốc Bắc – Nam (đoạn Bến Lức – Long Thành); cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố; tuyến đường bộ kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành. Đồng thời, xây dựng đường trục động lực song song quốc lộ 50 kết nối thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang; kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Bà Rịa – Vũng Tàu bằng cầu vượt vịnh Gành Rái và thành phố Hồ Chí Minh với Tiền Giang bằng cầu vượt cửa sông Soài Rạp, nối thông trục đường ven biển Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công.
Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình phát triển mạng lưới đường thủy nội địa nhằm tăng kết nối liên vùng, gồm 5 tuyến đường thủy nội địa: Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Hóa, Hiếu Liêm, Thị Vải, Bến Súc và Bến Kéo. Đối với hướng về các tỉnh Tây Nam Bộ có 5 tuyến duyên hải thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau và tuyến ven biển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang, Hà Tiên, Kiên Lương và Cà Mau.
Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại vận chuyển hàng hóa thông suốt. Trong đó, có 5 tuyến đường sắt tốc độ cao, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh – Mỹ Tho – Cần Thơ; thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh; Thủ Thiêm – sân bay Long Thành; tuyến đường sắt đôi kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước và cảng Long An; tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển đường cao tốc Bắc – Nam, kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng Nai, Long An; kết nối liên vùng các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ. Mở rộng giai đoạn 2 cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương. Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài; kết nối liên vùng thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh – Campuchia. Đầu tư cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, kết nối thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bình Phước, liên vùng khu vực Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên.
Và mới đây nhất, ngày 4-1-2021, tại Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành, sẽ kết hợp với tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ vào năm 2022. Thời gian đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và ngược lại chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay. Đây là sự đáp ứng yêu cầu, sự “ngóng trông” của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long với trên 20 triệu dân.
Theo Hà Nội Mới
Ảnh: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam đẩy mạnh xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/991006/tang-cuong-lien-ket-phat-trien-ha-tang