Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về BVMT trong nhân dân từng bước được nâng lên. Mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã được hạn chế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm đã được tập trung triển khai thực hiện. Chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường đã được nâng lên. Sở TN&MT tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực thẩm định, phê duyệt thủ tục hành chính cho cán bộ thẩm định cấp huyện và xã; rà soát năng lực của các đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lựa chọn các thành viên tham gia hội đồng thẩm định đủ điều kiện về trình độ, chuyên môn phù hợp.

Các báo cáo đánh giá tác động môi trường đều được tổ chức tham vấn cộng đồng, khảo sát địa điểm thực hiện dự án và phân tích mẫu hiện trường trước khi trình thẩm định nhằm sàng lọc, ngăn ngừa các dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu và quan trắc tự động đối với các cơ sở có nguồn xả thải lớn trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các dự án trước khi triển khai xây dựng phải hoàn tất thủ tục môi trường; các dự án trước khi vận hành thương mại phải xác nhận hoàn thành công trình BVMT; thực hiện giám sát môi trường định kỳ, thu gom và xử lý chất thải, chất thải nguy hại theo quy định.

Công tác BVMT tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, các lưu vực sông đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, như: hệ thống thủy lợi (cấp thoát nước), giao thông, điện, khu vực xử lý nước thải, bùn thải ở các vùng nuôi quy mô lớn. Tăng cường khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.

Công tác BVMT tại các khu dân cư, khu đô thị được quan tâm đẩy mạnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, như: hệ thống thủy lợi (cấp và thoát nước), giao thông, điện, hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỉnh đã hoàn thành việc đầu tư và đưa vào sử dụng 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị TP. Châu Đốc (5.000m3/ngày đêm), khu đô thị TP. Long Xuyên (30.000m3/ngày, đêm). Ngoài ra, còn đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xử lý nước thải cho các đô thị còn lại của tỉnh.

Đối với xử lý chất thải nguy hại và phục hồi môi trường, đã triển khai có hiệu quả việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại và y tế. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tăng lên hàng năm, mở rộng tuyến thu gom rác thải sinh hoạt cho 100% xã, phường, thị trấn (tăng 13 xã so với năm 2015) với tỷ lệ thu gom đạt 66,7%, trong đó khu vực đô thị đạt 85%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 99,7%; 100% chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý.

Công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đã được quan tâm và từng bước đầu tư các công trình, nhà máy để thu gom và xử lý. Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh An Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050: đã xây dựng và đưa vào hoạt động Khu liên hợp xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên (công suất 150-300 tấn/ngày) từ năm 2017; thực hiện đầu tư 6 lò đốt rác sinh hoạt (3 lò do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị làm chủ đầu tư: 2 lò đang vận hành thử nghiệm (lò đốt tại thị trấn Vĩnh Gia (Tri Tôn) và lò đốt tại thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) dự kiến vận hành chính thức vào cuối năm. Lò đốt tại thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới) đưa vào vận hành chính thức vào quý I-2020); 3 lò đốt rác do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư đang triển khai thực hiện. Song song đó, đã thu gom và xử lý 11.005kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho 19 xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và 15 vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh trong kế hoạch nhân rộng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện thường xuyên và tích cực thực hiện, không để phát sinh thêm cơ sở, khu, điểm gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nghiêm trọng. Hoàn thành xử lý dứt điểm 18/21 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu tư và đưa vào sử dụng 57 lò hỏa táng ở các chùa Nam Tông Khmer; hoàn thành xử lý 225/264 cơ sở khu điểm, đạt 85,2% (trong đó, 201/216 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và 24/48 khu, điểm ô nhiễm môi trường) trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm, khu, điểm ô nhiễm môi trường cần được xử lý trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2014.

Sở TN&MT tiếp tục tăng cường tổ chức quan trắc môi trường định kỳ, liên tục và đột xuất để kịp thời cảnh báo các tai biến môi trường. Khẩn trương thực hiện dự án đầu tư hệ thống trạm quan trắc liên tục tự động để giám sát chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường nước và không khí tại khu vực đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực tiếp giáp với Campuchia. Kiểm soát tốt môi trường và bảo vệ các khu bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý các khu, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Hữu Huynh – Báo An Giang

Theo An Giang

Ảnh: Tăng cường quản lý chất thải phát sinh do nuôi cá trên sông

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-kiem-soat-o-nhiem-bao-ve-moi-truong-a276102.html