Tăng cường hạ tầng để xe buýt phát triển

Trên địa bàn Hà Nội, cơ sở hạ tầng và vận tải công cộng với mạng lưới đường đô thị nhìn chung phân bố không đều. Xuất phát từ hạ tầng hạn chế nên khả năng đáp ứng của các loại hình vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt còn gặp nhiều rào cản, hạn chế sự phát triển…

Để xe buýt không còn “chậm dần đều” và tăng tính hấp dẫn, giải pháp trước mắt là cần thêm những cơ chế, chính sách, ưu tiên hỗ trợ về hạ tầng, không gian hoạt động cho xe buýt.

Hạ tầng hạn chế nên khó phát triển

Theo đánh giá của cá cơ quan chức năng, hiện tượng ùn ứ giao thông đã và đang là nguyên nhân khiến xe buýt Thủ đô vận hành “chậm dần đều”. Minh chứng dễ thấy, hiện tốc độ tăng trưởng ôtô trung bình 12,9%/năm, xe máy tăng trung bình 7,66%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ phương tiện xe buýt chỉ đạt 0,16 xe buýt/1.000 dân; 49,8 xe con/1.000 dân; 682 xe máy/1.000 dân. Hạ tầng “đuối hơi” so với lượng phương tiện cá nhân còn thể hiện ở chỗ, trung bình 1km đường do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý có 0,63 xe buýt trợ giá, 2.519 xe máy, 184 ôtô con lưu thông, chưa tính đến các phương tiện khác.

Mặt khác, hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn cũng thiếu và yếu. Tính đến tháng 6/2018, trên địa bàn 12 quận có khoảng 577 điểm, bãi đỗ xe tập trung với diện tích 34,04ha. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt khoảng 0,28% diện tích đất xây dựng đô thị. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá cao dẫn đến tốc độ lưu thông giảm mạnh. Thời điểm này, xe buýt và ôtô có tốc độ dưới 15km/giờ còn xe máy là 18 -20km/giờ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Ðỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội và một số thành phố lớn khác hiện nay vẫn chưa được như kỳ vọng, hay nói đúng hơn là chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và theo quy hoạch.

Minh chứng dễ thấy, hiện hệ thống xe buýt của Hà Nội mới đóng góp cho vận chuyển hành khách khoảng 8 – 10%. Nếu tính chung khu vực nội đô Hà Nội, hệ thống xe buýt cũng chỉ đóng góp khá khiêm tốn, khoảng 15 – 16%.

“Theo nghiên cứu về khả năng thông qua mặt cắt ngang và diện tích chiếm dụng của một số loại phương tiện giao thông điển hình cho thấy, nếu xét đến yếu tố cùng lưu thông trên mặt đường với cùng một lượng người chuyên chở thì diện tích chiếm dụng của xe máy gấp 6,8 lần so với diện tích chiếm dụng của xe buýt.

Do vậy, đối với khu vực có hạ tầng giao thông hạn chế, nhu cầu giao thông lớn thì việc tổ chức giao thông “bình đẳng” đối với tất cả các loại phương tiện là bất hợp lý, tất yếu dẫn đến hệ lụy là tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra” – đại diện Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phân tích.

Đầu tư để tăng tính hấp dẫn

Trước những rào cản hạn chế sự phát triển của xe buýt, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trước hết cần tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng, với những giải pháp cương quyết, từ lãnh đạo thành phố xuống đến các sở, ngành và địa phương. Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, cần khôi phục làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số trục tuyến đủ điều kiện.

Trục Nguyễn Trãi – Hà Đông là ví dụ. Theo đó, trục “xương sống” này chiếm tới 30% số tuyến trên toàn mạng xe buýt của Thủ đô. Trước đây, khi có làn đường riêng, xe buýt có thể vận hành đạt tốc độ 20-21km/giờ, nhưng nay chỉ còn 13-14km/giờ. Nếu có làn đường riêng sẽ an toàn hơn do xe buýt không phải ra vào điểm dừng, cản trở luồng giao thông. Các phương tiện khác sẽ được tạo không gian lưu thông tốt hơn do không bị xung đột với xe buýt.

Khi không bị xung đột hạ tầng, tốc độ di chuyển của xe buýt sẽ được cải thiện, dần tăng sức hấp dẫn trong mắt người dân

Ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại cho rằng, để giao thông công cộng phát triển thì việc tổ chức kết nối buýt theo phương án quy hoạch là hết sức quan trọng. Nói cách khác, xe buýt muốn phát triển phải tạo ra điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đến các vị trí khác nhau trong thành phố.

Đồng thời phương án này cũng giúp giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, xe buýt vào từ cửa ngõ Tây Nam thành phố, áp lực giao thông vì thế cũng sẽ giảm. Ông Bùi Danh Liên khẳng định, sau khi tuyến đường sắt đô thị phát triển đầy đủ, thậm chí tuyến này có thể kéo dài thêm nữa thì việc điều chỉnh, phát triển xe buýt đưa đón hành khách trong các khu dân cư đến các điểm dừng đón khách của tuyến đường sắt là việc tất yếu phải làm.

Với điều kiện hạ tầng hiện tại, ông Nguyễn Công Nhật cho biết, giải pháp thu hút người dân trước mắt nằm ở việc nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt theo hướng ngày càng an toàn, thân thiện, hấp dẫn hành khách. Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội chia sẻ, đến cuối năm 2019 và các giai đoạn tiếp theo, Transerco sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới phương tiện hiện đại với tiêu chuẩn khí thải Euro 4, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện đang hoạt động; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên lái xe, phụ xe…

Bàn về những giải pháp để phát triển xe buýt, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt như ưu tiên sử dụng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông, lựa chọn một số tuyến đường xây dựng đường dành riêng cho xe buýt để nâng cao tốc độ chạy xe, bảo đảm an toàn cho vận hành xe buýt.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng có thể khuyến khích người dân đi xe buýt bằng cách ưu tiên về giá vé, phát hành vé miễn phí cho các đối tượng chính sách xã hội, gia tăng tiện ích tại các nhà chờ, điểm dừng, điểm đỗ, điểm trung chuyển tạo thuận lợi cho hành khách.

Rõ ràng, trước những bất cập về hạ tầng giao thông, để xe buýt Thủ đô phát triển và hấp dẫn hơn trong mắt người dân thì còn cần nhiều hơn những nỗ lực. Thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự tiện lợi của xe buýt, xóa bỏ đi những định kiến lạc hậu về xe buýt. Chú trọng đảm bảo quyền ưu tiên tuyệt đối của người đi bộ trên vỉa hè, đồng thời bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động, áp dụng các ứng dụng thông minh trong quản lý giao thông…

Những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đầu tư phát hiện hệ thống kết cấu hạ tầng khung; điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt. Nhờ sự “phủ sóng” kịp thời này, một lượng đông đảo khách hàng là học sinh, sinh viên, người lao động… đã được thụ hưởng.

Theo ghi nhận, ngay ở các tuyến ngoại thành, hiện việc di chuyển vào nội đô cũng ngày một thuận tiện. Hành khách đi các tuyến buýt ngoại thành ngày càng đa dạng. Khi được hỏi về chất lượng phục vụ của các tuyến buýt ngoại thành, đa phần người dân đều hài lòng, vui vẻ mỗi khi đi các tuyến buýt này.

Giang Nam – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Để xe buýt phát triển cần ưu tiên dành riêng hạ tầng và không gian hoạt động

Xem bài viết gốc tại đây:

http://laodongthudo.vn/tang-cuong-ha-tang-de-xe-buyt-phat-trien-100990.html