Tăng cường dự báo, cảnh báo sớm hạn hán, xâm nhập mặn

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, khả năng xâm nhập mặn và hạn hán tại Trung Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gia tăng vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, vì vậy các địa phương thuộc hai khu vực này cần chủ động có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Mặt khác, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn. Nhất là cảnh báo xa, cảnh báo sớm để các cấp, các ngành, các địa phương có biện pháp ứng phó từ xa, kịp thời.

Tình trạng hạn hán kéo dài khiến nhiều hồ, đập thủy lợi ở tỉnh Nghệ An trơ đáy hoặc xuống mực nước chết. Hàng vạn ha lúa sắp vào thời kỳ làm đòng có nguy cơ không thể trổ bông do thiếu nước, hơn 3.000 ha hoa màu cũng trong tình trạng héo khô. Trong ảnh: Do thiếu nước lúa không thể trổ bông, người dân phải cắt cho bò ăn. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ nay đến hết tháng 8 nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, vùng núi phía Tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.

Tổng lượng mưa khu vực Trung Bộ trong tháng 8 – 9 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10 – 30%, nhưng các tháng 10 – 11 – 12 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10 – 25%.

Từ tháng 8 đến hết tháng 9 lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tăng, nhưng vẫn ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 20 – 50%. Tình trạng hạn hán, thiếu nước ở Trung Bộ trong các tháng tới được cải thiện và chỉ xảy ra ở một số nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi.

Tình trạng xâm nhập mặn đang giảm dần, riêng khu vực Trung Trung Bộ vẫn tiếp tục diễn ra ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, song cường đô sẽ giảm hơn so với thời gian qua.

Gió mùa Tây Nam có xu hướng kết thúc sớm trên lưu vực sông Mê Công nên dự kiến đỉnh lũ nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp (báo động 1). Nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ trong mùa khô năm 2019-2020.

Từ đầu năm đến nay khu vực Trung Bộ đã xuất hiện nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống mức thấp nhất lịch sử, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra nghiêm trọng tại một số địa phương ở khu vực Trung Bộ.

Trên lưu vực sông Mê Công, mực nước thượng lưu sông đang ở mức rất thấp, nhiều trạm xuống thấp nhất lịch sử, dự báo đỉnh lũ năm 2019 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020.

Dự báo, cảnh báo kịp thời

Để phục vụ hiệu quả việc phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, hạn chế thiệt hại, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tăng cường quan trắc dòng chảy, quan trắc mặn phục vụ dự báo, cảnh báo. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để ban hành bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, điều hành, sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện nguồn nước và triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức, chi tiết hóa và cải tiến bản tin tập trung vào dự báo, cảnh báo tác động thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn đến các ngành nghề như nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt…

Tổng cục sẽ phối hợp với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước từ các hồ chứa ở thượng lưu sông Mê Công; đàm phán với các nước thượng nguồn sông Mê Công trong phương thức sử dụng nước, đặc biệt chú trọng việc xây dựng hồ đập, đập thủy điện.

Hiện Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiến hành kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước làm cơ sở để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Cục cũng chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông, ưu tiên sử dụng nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ hồ chủ động tích nước đảm bảo nước cho mùa cạn năm 2019; thường xuyên theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa, tính toán, cân đối nguồn nước, hướng dẫn việc điều tiết, xả nước các hồ chứa trên các lưu vực sông…

Đề cập về các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, ngay từ bây giờ các đơn vị chức năng thuộc Bộ xây dựng kế hoạch, các phương án kỹ thuật để tăng cường theo dõi, giám sát xâm nhập mặn ngay từ cuối mùa mưa năm 2019; cảnh báo xâm nhập mặn chi tiết, cụ thể hơn để ngành nông nghiệp có kế hoạch điều hành cống ngăn mặn, điều hành các trạm bơm để lấy nước…

Về lâu dài, Tổng cục Khí tượng Thủy văn bổ sung thêm mạng lưới trạm quan trắc dòng chảy và quan trắc mặn ở Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó ưu tiên lắp đặt các thiết bị tự động để có số liệu quan trắc kịp thời, đầy đủ.

Tập trung phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nội dung Xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn, quy mô toàn cầu có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết và khí hậu Việt Nam.

Xây dựng hệ thống phân tích, dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhất là ứng dụng sản phẩm viễn thám giám sát hạn hán, giám sát hoạt động của các hồ chứa xuyên biên giới; phối hợp với các địa phương điều tra, khảo sát, đo đạc và tập hợp thống nhất cơ sở dữ liệu về rủi ro hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dự báo, cảnh báo.

Cục Biến đổi khí hậu đã hợp tác với Hà Lan về các giải pháp trữ nước chống hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ quản lý khai thác, vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực này. Đặc biệt, Cục đang xây dựng Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu quốc gia, qua đó sẽ đề xuất các giải pháp để Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với các hiện tượng thiếu nước, xâm nhập mặn.

Văn Hào (TTXVN) – Báo Tin tức TTXVN

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Các cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được vận hành khi độ mặn từ 1,5‰ trở lên. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-du-bao-canh-bao-som-han-han-xam-nhap-man-20190812111107269.htm