Tăng cường đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, tai nạn giao thông (TNGT) tuy giảm cả ba tiêu chí, song vẫn còn những diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người chết và bị thương. Theo dự báo, từ nay đến tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Vì vậy, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) sẽ không ít phức tạp. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng liên quan cần đánh giá đúng tình hình, có giải pháp quyết liệt, không để tình trạng tương tự tái diễn.

Diễn biến phức tạp

Kiềm chế TNGT, đặc biệt là trong dịp cận Tết không phải đến bây giờ mới được đề cập. Có một thực tế là, dù lực lượng chức năng có cố gắng đến mấy mà người tham gia giao thông thiếu ý thức, không chấp hành luật lệ thì TNGT vẫn khó tránh khỏi. Một số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra những ngày cuối năm 2018, đầu tháng 1/2019 là ví dụ.

Cụ thể, cuối tháng 12/2018, chiếc Lexus mang BKS 29A 742.75 lưu thông trên đường Trích Sài bất ngờ mất lái đâm liên tiếp 4 xe máy đi cùng chiều phía trước và một xe ô tô của lực lượng cảnh sát giao thông. Sau đó, chiếc xe này tiếp tục lùi và đâm vào 3 xe máy phía sau và một chiếc taxi.

Để giảm bớt TNGT, nhất là giải quyết vấn nạn sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh thì cần xây dựng văn hóa giao thông. Xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe có thời hạn… dường như chưa đủ sức răn đe.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa. Đối với những vụ việc nghiêm trọng, TNGT gây chết người thì cần phải xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Cú va chạm liên hoàn khiến 6 người trên các xe máy bị thương, trong đó có một học sinh bị cuốn vào gầm ô tô bị thương nặng. Qua xác minh, người điều khiển chiếc xe gây tai nạn là Nguyễn Thu T. (SN 1989, trú tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Điều đáng nói là sau khi xảy ra tai nạn, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, lái xe đã vi phạm nồng độ cồn trên 0,7 miligam/1 lít khí thở.

Không chỉ vi phạm về nồng độ cồn, ở các vụ tai nạn hầu hết nguyên nhân đều đến từ người điều khiển phương tiện. Có trường hợp cố tình vi phạm, vì vội, vì chủ quan mà phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn. Nghiêm trọng hơn là tình trạng sử dụng ma túy nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Đây là hành vi coi thường pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe còn thấp và chưa có tính răn đe cao. Do đó, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính cũng như hình phạt bổ sung đối với hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe là cần thiết nhằm tác động mạnh tới ý thức chấp hành của người tham gia giao thông để hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong 9 tháng 2018, cả nước xảy ra gần 13.250 vụ TNGT, làm chết 6.012 người, bị thương 10.139 người. So với cùng kỳ, TNGT giảm 7,8% về số vụ, 1,84% về số người chết và 12,45% về số người bị thương. Có 38 địa phương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 19 địa phương giảm hơn 10%.

Tuy nhiên, vẫn có 23 địa phương có số người chết do TNGT tăng cao so cùng kỳ. Ðánh giá nguyên nhân của các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ngoài nguyên nhân về điều kiện kết cấu hạ tầng còn có yếu tố chính là sự chủ quan khi điều khiển phương tiện của lái xe. Cần phải khẳng định, hậu quả của những vụ TNGT kiểu này là rất lớn. Thiệt hại về người, tài sản không chỉ đối với người điều khiển phương tiện mà cả với những người xung quanh.

Tích cực tuần tra, kiểm soát cơ động

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT chín tháng năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình hình TNGT nghiêm trọng.

Tất cả các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị và người đứng đầu để chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả những giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu về bảo đảm ATGT đã đề ra. Mặt khác, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết phải phòng, chống tốt các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong các cơ quan chức năng thi hành công vụ, cũng như trong quá trình sát hạch, cấp bằng cho lái xe, đồng thời xử lý nghiêm tiêu cực nếu phát hiện.

Theo ghi nhận thực tế, hiện nay, tại Hà Nội lực lượng CSGT, cảnh sát hình sự và cảnh sát cơ động đã và đang tích cực triển khai phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Dễ thấy nhất là thời điểm cuối giờ chiều, tại các nút giao thông quan trọng như: Trần Phú (Hà Đông), Tố Hữu – Lê Văn Lương… lực lượng chức năng đã lập các chốt chặn để phân luồng, điều tiết giao thông, kiểm tra nồng độ cồn, ngăn chặn từ xa tình trạng uống rượu bia gây tai nạn.

Trên các tuyến quốc lộ, lực lượng CSGT cũng đẩy mạnh tăng cường lực lượng, phương tiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Ngoài tuần tra kiểm soát cơ động, công an các đơn vị, địa phương đã sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, như: Dừng đỗ sai quy định, vượt quá tốc độ…

Được biết, ngoài biện pháp tuần tra, xử lý vi phạm, công an các đơn vị, địa phương còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Bằng các hình thức tuyên truyền, cổ động, sân khấu hóa, công an các địa phương đã truyền tải những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ. Qua hoạt động tuyên truyền, người tham gia giao thông được trang bị những kỹ năng lái xe, tự bảo đảm an toàn, sơ cứu khi gặp tai nạn. Nhiều mô hình điểm, cách làm hay để duy trì TTATGT đã được nhân rộng.

Chia sẻ về công tác kiềm chế TNGT, trả lời trước báo chí ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong những tháng đầu của quý I/2019, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu tổ chức khám, kiểm tra ma túy trong máu, trong nước tiểu của tất cả các lái xe. Trước tiên tập trung vào xe khách, xe container để phát hiện, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Đồng tình với quan điểm nói trên, dư luận cho rằng, để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy ra, cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là kiểm soát, xử lý tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy… Theo đó, phải quản lý từ gốc, từ đào tạo lái xe, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, cần phải quản lý lái xe về khâu sức khỏe, thời gian điều khiển phương tiện…

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 đang đến rất gần, đây cũng là thời điểm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến kèm theo nguy cơ lớn về tai nạn giao thông. Để kìm chế TNGT dịp cận Tết, bảo đảm TTATGT, dư luận mong mỏi cơ quan chức năng tiếp tục triển khai những biện pháp kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông, ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích… Với bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông cũng cần tự giác chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông. Chỉ có đồng bộ các giải pháp như vậy mới có thể trực tiếp hạn chế TNGT.

Lê Thắm – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Cận Tết là thời điểm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến và dễ xảy ra tai nạn

Xem bài viết gốc tại đây:

http://laodongthudo.vn/tang-cuong-dong-bo-cac-giai-phap-86150.html