Tại sao các bãi rác chôn lấp ở Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm?

Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, tỉ lệ các bãi rác chôn lấp vẫn đang có xu hướng gia tăng do sức ép xử lý hàng ngàn tấn rác thải mỗi ngày. Điều này vô hình trung gây ra sự lãng phí một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá là rác thải.

Nhiều áp lực với môi trường

Dưới với sự gia tăng dân số cùng quá trình công nghiệp hóa đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, lượng chất thải rắn ở nước ta có xu hướng tăng khoảng 10% mỗi năm. Cụ thể, mỗi ngày sẽ phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn chất thải nói trên, song lại chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại chỉ có thể đem chôn vùi trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời. 

Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị vẫn chưa thực sự phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa. Điều này vô hình trung gây nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Điển hình nhất cho những áp lực này phải kể đến ô nhiễm tại các bãi chôn lấp và xử lý rác thải. 

Theo số liệu của Tổng cục môi trường, năm 2019 cả nước có 660 bãi chôn lấp rác, trong đó chưa đến 20% là hợp vệ sinh. Đến nay là năm 2023, gần nửa thập kỷ trôi qua, số bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt chạm đến khoảng 1000 bãi, nhưng tỉ lệ bãi chôn lấp hợp vệ sinh vẫn đứng yên ở cột mốc gần 20%. 

Từ thực tế kể trên, có thể nói, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ra đời hướng đến giải quyết những bức xúc của xã hội về vấn đề môi trường trong thời đại phát triển kinh tế đô thị mạnh mẽ. Song, tốc độ xử lý hiện vẫn chưa theo kịp tốc độ xả thải. Rõ ràng, đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới…

Bất cập đến từ quản lý chất thải rắn  

Ở nhiều quốc gia Châu Âu và Châu Á, rác là nguồn tài nguyên tái tạo có khả năng phát triển kinh tế. Điển hình như Nhật Bản, Singapore, Đức, Áo, Thụy Điển,… Điểm chung của các quốc gia này chính là họ tích cực đầu tư công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải, từ đây tạo cơ sở để biến rác thải thành năng lượng để tận dụng. Nhìn nhận lại thực tế tại Việt Nam, nguồn tài nguyên rác đang bị lạm dụng để chôn lấp cho xong, cho nhanh, cho kịp tốc độ xả thải. 

Tại Phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 05, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đặt vấn đề: “Luật Bảo vệ môi trường quy định rác thải phân loại tại nguồn nhưng phân loại xong, sau đó xử lý, sản xuất, tái chế ra sao. Việc sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào cũng chưa rõ”. 

Cụ thể, những quy định trong xử phạt vi phạm hành chính trong phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa rác đúng quy định có hiệu lực kể từ tháng 8/2022, nhưng chưa có những phương án chi tiết, hành động cụ thể nên vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc xử lý rác nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động, khuyến khích đầu tư xã hội hóa… làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe đối với cộng đồng, nhất là ở những bãi chôn, lấp rác gây ra nhiều bức xúc cho cử tri và nhân dân.

Tại sao các bãi rác chôn lấp ở Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm? - Ảnh 2Phân loại rác còn xa lạ đối với người dân. (Ảnh: TN)

Tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp. Rác thải chỉ có thể đem xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn, song, hiện tại các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức hóa. 

Suy cho cùng, phân loại rác tại nguồn tuy xuất phát từ hành động, thói quen nhỏ của từng người dân, nhưng khi được thực hiện đúng và triệt để sẽ là mắt xích trọng yếu cho toàn bộ nỗ lực  xử lý và tái chế rác thải. Hay nói cách khác, rác cũng là một tài nguyên quý giá nếu có thể vận dụng tái chế đúng cách. 

Hải Ly – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt. 

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/tai-sao-cac-bai-rac-chon-lap-o-viet-nam-chi-tang-chu-khong-giam-80046.html