Tái chế rác thải nhựa: Câu chuyện không của riêng ai

Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa nhựa thải ra ngoài môi trường nhưng chỉ có 27% trong số đó được tái chế. Chính vì vậy vấn đề phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường từ nguồn nguyên liệu này vẫn đang là bài toán cần lời giải.

Đẩy mạnh phong trào sản xuất, tái chế rác thải nhựa

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 – 2025” đã tạo lên phong trào mạnh mẽ ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc về vấn đề phát triển kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường từ nguồn nguyên liệu rác thải nhựa.

Tại TP.HCM, sau khi có đề án của Thủ tướng, UBND thành phố đã triển khai kế hoạch để thực hiện. Theo đó, các đơn vị trên địa bàn thành phố tăng cường thêm sự phối hợp giữa các ngành. Đồng thời, đưa ra các phương án tuyên truyền, xử phạt vi phạt nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

Đặc biệt, UBND TP.HCM đang khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hoạt động trên địa bàn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa.

tm-img-alt
Nhiều cuộc thi tái chế rác thải nhựa được tổ chức trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã tạo ra phong trào mạnh mẽ.

Ở TP.Đà Nẵng, chính quyền địa phương cũng đang có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa như: Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; Sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa;…

Việc giảm thiểu chất thải nhựa tại TP.Đà Nẵng còn được đưa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; Thủ trưởng đơn vị tổ chức ký cam kết với lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa; đồng thời phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.

Còn tại TP.Hà Nội, nhiều năm qua trong các đơn vị sự nghiệp cũng đã thúc đẩy việc giảm thiểu chất thải nhựa trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và nhiều hoạt động khác. Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần gần như không còn xuất hiện tại các cơ quan, đơn vị, cũng như các hội nghị, hội thảo… của thành phố.

Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, thành phố tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các mô hình thu gom, tái chế chất thải nhựa, như: Thu gom vỏ hộp sữa giấy trong trường học; thu gom cốc, uống hút nhựa (tại một số chuỗi cửa hàng đồ uống)… Thời gian tới, thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần chuyển sang dùng nguyên liệu sản xuất thân thiện hơn với môi trường…

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, những việc làm cụ thể, thiết thực của Chính phủ, và các bộ, ngành, địa phương cùng nhân dân cả nước về phong trào chống rác thải nhựa trong thời gian qua đã thu được thành quả hết sức khích lệ. Đầu tiên là phong trào đã có sự chuyển biến rõ nét từ “nhận thức” sang “hành động” của chính quyền các cấp và người dân trong hành động giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần và tăng cường tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.

Đến nay, hầu hết các địa phương đều có chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy bằng các sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường trong hoạt động thường nhật và nhân dân.

Có thể thu lợi từ nguồn nguyên liệu dồi dào

GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn – Vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA) cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có chế tài phân loại và chưa có sự đồng bộ trong thu gom đối với chất thải nguy hại, trong đó có amiang, gây nhiều rủi ro cho cộng đồng.

Tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilong của cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Điều này cho thấy Việt Nam đang vừa lãng phí nguồn nguyên liệu dồi dào có thể sử dụng phát triển kinh tế, mặt khác đây cũng chính là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu như rác thải nhựa không được tận dụng, xử lý triệt để.

Chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay là khoảng 300.000 đồng và gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn về việc hóa chất độc hại từ rác thải nhựa sẽ ngấm vào nước và đất. Điều này có thể gây ra ô nhiễm nước và đất và gây hại cho thực vật và động vật sống ở sông và ao hồ. Khi chúng hòa lẫn vào nước mưa sẽ hình thành một hỗn hợp độc hại được gọi là nước rỉ rác. Hỗn hợp này có thể rất nguy hiểm nếu nó hòa vào nguồn cung cấp nước. Khi trời mưa, hầu hết nước bị ô nhiễm (nước rỉ rác) từ các bãi thu gop chất thải nhựa thấm sâu vào lòng đất và gây ô nhiễm nước ngầm.

Trong khi đó, nếu có phương án tài chế rác thải nhựa hiệu quả thì sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn. Hiệp Hội nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 – 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Hiện, ở TP.HCM có tới 50.000 tấn chất thải nhựa đang chôn lấp nếu số chất thải này được mang đi tái chế, TP.HCM có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.

Chính vì thế, câu chuyện tái chế, sản xuất rác thải nhựa không phải câu chuyện của riêng một cá nhân nào mà nó là câu chuyện của chúng ta. Câu chuyện của nhà nước, câu chuyện của doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội và là câu chuyện của thanh niên.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, việc quản lý chất thải nhựa là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội.

Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, Bộ TN&MT đang rà soát, đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp. Đầu tiên là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường 2020 nhằm hạn chế tác động của chất thải, nhất là chất thải nhựa tới môi trường; xây dựng các quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.

Luật cũng hướng tới việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa hiện vẫn để cho “đồng nát” làm, mà chưa có một mạng lưới quy định cụ thể. Mặc dù ai cũng biết rác thải nhựa là thành phần có lợi về kinh tế, có thể tái chế, tái sử dụng. Do đó, các cơ quan liên quan cần có cơ chế rõ ràng để thống nhất hoạt động thu gom, tái chế.

Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, ông Dũng đề xuất nên có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa. Đặc biệt, thay thế túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Nguyễn Thu – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Rác thải nhựa nếu được tái chế đúng cách sẽ tạo ra nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn (Ảnh minh họa).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/tai-che-rac-thai-nhua-cau-chuyen-khong-cua-rieng-ai-57180.html