CO2 chính là nguyên nhân của tình trạng nóng lên toàn cầu. Điều đó đang thúc đẩy các công ty thu giữ CO2 trong khí quyển và tái chế nó thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế như kim cương, vật liệu xây dựng và cả quần áo thể thao.
Công ty Aether Diamonds có trụ sở tại New York, Mỹ đã là công ty đầu tiên tạo ra kim cương trong phòng thí nghiệm bằng cách tái chế CO2. Giám đốc điều hành của Aether Diamonds cho biết, mục tiêu của họ là loại bỏ 20 tấn CO2 từ khí quyển cho mỗi carat kim cương.
Quy trình tái chế CO2 thành kim cương của Aether Diamonds bao gồm ba bước. Đầu tiên, họ hợp tác với một công ty Thụy Sĩ về công nghệ thu nhận không khí trực tiếp để hút khí CO2. Khí CO2 sau đó được biến đổi thành hydrocacbon, cuối cùng, hydrocacbon được sử dụng để tạo ra kim cương thông qua quá trình lắng đọng hơi hóa học. Các sản phẩm trang sức của họ có giá từ khoảng 1.000 – 45.000 USD.
Công ty Twelve có trụ sở tại California phát triển công nghệ giải cấu trúc carbon dioxide bằng cách sử dụng nước và điện tái tạo với sự hỗ trợ của chất xúc tác dưới dạng dung dịch. Công nghệ của Twelve cho phép lấy trực tiếp CO2 từ không khí và biến nó thành vật liệu hay những hợp chất thiết yếu.
Theo đại diện công ty trên: Nếu không có công nghệ giải cấu trúc này, chúng ta sẽ phải sử dụng carbon hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, cuối cùng lại thải CO2 vào bầu khí quyển.Twelve tin rằng tái chế carbon có thể là một giải pháp thực hiện mục tiêu thu giữ 10 tỷ tấn CO2 mỗi năm từ năm 2050 để làm chậm biến đổi khí hậu.
Hãng quần áo thể thao lululemon Athletica inc (LULU.O) có trụ sở tại Canada cũng hợp tác với công ty công nghệ sinh học LanzaTech để phát triển quy trình sản xuất sợi polyester từ khí thải carbon. LULU.O dùng vi khuẩn lên men để chuyển đổi carbon monoxide (CO) từ các nhà máy thép thành ethanol. Ethanol sau đó được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ chai nhựa đến polyester. Giám đốc điều hành LanzaTech Jennifer Holmgren nhấn mạnh rằng nếu không được thu giữ và tái chế, khí CO cuối cùng sẽ bị đốt cháy và thải ra môi trường dưới dạng khí nhà kính CO2.
Theo dữ liệu từ PitchBook, Mạng lưới Carbon, Tập đoàn Cleantech và Climate Tech VC, đầu tư vào công nghệ carbon đang bùng nổ khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã huy động được hơn 800 triệu USD vào năm 2021, tăng hơn gấp ba lần so với năm 2020.
Tú Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)