Tái chế bê-tông thải thành bê-tông ‘xanh’

Các kỹ sư ở Nhật Bản đã phát triển kỹ thuật chế tạo bê-tông bằng cách tái chế bê-tông thải và kết hợp nó với CO2 được thu giữ.

Bê-tông là vật liệu xây dựng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới nhưng nó là một trong những vật liệu gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Người ta ước tính có tới 8% lượng khí thải CO2 toàn cầu là kết quả từ quá trình sản xuất bê-tông và hầu hết trong số đó đến từ việc nung đá vôi đến nhiệt độ rất cao để tạo ra canxi, một thành phần chính của phản ứng hóa học hình thành bê-tông.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một quy trình làm giảm tác động môi trường của bê-tông bằng cách sử dụng chính những đống bê-tông cũ bị bỏ đi làm nguyên liệu sảm xuất bê-tông mới. Điều đó không chỉ tận dụng được các vật liệu cũ mà phương pháp sản xuất bê-tông này tốn ít năng lượng hơn nhiều so với phương pháp sản xuất truyền thống. Vì quá trình sản xuất bê-tông mới có thể thực hiện ở khoảng 70°C, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ cần thiết để nung đá vôi ở khoảng hơn 1.000°C. Lợi ích khác của phương pháp mới là CO2 trộn lẫn có thể được lấy từ khí thải công nghiệp hoặc được hút thẳng ra ngoài môi trường.

Kết quả thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các khối mẫu bê-tông mới từ một trong hai phế thải xây dựng phổ biến, hồ xi măng đông cứng (HCP) hoặc cát silica. Quá trình này bắt đầu với dung dịch canxi bicacbonat được tạo thành từ bột đá vôi, nước khử ion và khí CO2. Dung dịch sau đó được bơm vào khuôn có chứa một trong các cốt liệu gồm bột HCP hoặc cát silica, đem nung nóng đến 70°C để tạo ra sản phẩm cuối cùng là bê-tông canxi cacbonat.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù loại bê-tông mới tốt hơn cho môi trường nhưng nó chưa đủ chắc chắn như mong đợi. Cường độ nén trung bình của các khối là 8,6 MPa, thấp hơn nhiều so với 20 đến 40 MPa của bê-tông làm từ xi măng poóc lăng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tin rằng nó vẫn có thể sử dụng được trong các tòa nhà quy mô nhỏ và có thể cải thiện thêm trong thời gian tới.

Bắc Lãm

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)