Ngày 22/06/2022, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh phối hợp Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Chia sẻ và học tập các mô hình giảm ô nhiễm rác nhựa tại địa phương áp dụng tiếp cận tác động tập thể tại Việt Nam.
Sự kiện thuộc Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án “Giảm ô nhiễm Rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP) do USAID tài trợ, được triển khai thực hiện từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2023 bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và 3 đối tác là Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Mạng lưới Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam (VOHUN), Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống Quản lý Quốc tế (Gimasys). Mục tiêu của dự án là nhằm trao quyền cho cộng đồng địa phương để thúc đẩy việc giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách xây dựng các mạng lưới, liên kết và hỗ trợ cộng đồng, cá nhân tại Hà Nôi, Đà Nẵng và Hội An.
Mục tiêu của diễn đàn là nhằm tạo cơ hội cho các đối tác địa bàn chia chia sẻ kinh nghiệm về quá trình đồng thiết kế, xây dựng Kế hoạch hành động chung đồng thời thảo luận việc triển khai các mô hình giảm rác nhựa tại địa phương trong tương lai. Chương trình có sự góp mặt của lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hội An, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng, Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Hội An, Đà Nẵng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) và các đơn vị đối tác thực hiện dự án tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ: “Nếu nhìn vào lượng rác phát sinh hàng ngày, thấy rằng với sự phát triển ngày nay, con người bận rộn thì quỹ thời gian càng eo hẹp, văn hoá tiêu dụng chuyển qua xu hướng vừa nhanh vừa tiện. Vì thế nên nhựa trở thành một công cụ, phương tiện hầu hết các gia đình đều sử dụng dù biết nó có thể tạo ra những phản ứng hoá học gây bất lợi cho sức khoẻ. Đây là một vấn đề không thể giải quyết ngày một ngày hai mà cần tới sự lâu dài”.
Ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho biết: “Trong suốt thời gian vừa qua, Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc quản lý chất thải. Tính riêng trong năm 2021, tổng lượng rác thải tài nguyên được phân loại là 1453 tấn quy đổi khoảng 3.144.000.000. Con số tuy không lớn nhưng có ý nghĩa trong tình hình đại dịch Covid-19 và Đà Nẵng phải cách ly toàn thành phố trong khoảng thời gian khá dài. Kết quả đạt được đó cũng là minh chứng cho sự vào cuộc của cộng đồng dân cư thành phố. Đà Nẵng rất vinh dự là một trong 3 địa bàn của dự án Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương và đến năm thứ hai tổ chức, chúng tôi đã nhận diện được một số các vấn đề và rất được mong muốn được chia sẻ tại các địa bàn còn lại, để sau đó có những cách làm hay và sáng tạo hơn”.
Tại diễn đàn, đại diện ban quản lý dự án LSPP đã chia sẻ những kết quả tích cực đã đạt được thông qua việc thực hiên các trong Dự án trong 2 năm qua. Theo cấp quốc gia, dự án có 03 thành tựu nổi bật: Thành lập Đối tác hành động về Nhựa và Sức khoẻ (PHA) và tạo được nhiều các hội thảo chuyên đề; Thiết kế ra mắt Nền tảng số về Nhựa và Sức khoẻ bao gồm các thông tin chính xác, uy tín và mới nhất liên quan đến các vấn đề Nhựa và Sức khoẻ; Gửi thư kiến nghị về EPR và được Quốc Hội chấp thuận 2/4 điểm, cung cấp các bằng chứng khoa học cho việc xây dựng điều luật về EPR. Với hoạt động tăng cường năng lực, dự án đã tổ chức 16 buổi tập huấn cho địa phương và 09 buổi tập huấn cho cán bộ dự án, trong đó 1697 Cán bộ, giáo viên và thành viên của các hội đoàn thể được tham gia các lớp tập huấn trực tuyến hoặc trực tiếp nâng cao năng lực về truyền thông và các kiến thức giảm nhựa do GreenHub và các đối tác thực hiện. Về triển khai mô hình địa phương, dự án đã xây dựng và thực hiện 25 mô hình, sáng kiến tại 4 địa phương là Đà Nẵng, Hội An, Quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội, Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội. Trong năm 2 vừa qua, dự án LSPP cũng tổ chức 02 chiến dịch truyền thông: Cuộc thi ảnh rác thải nhựa PlasPics Hunter và Cuộc thi tìm kiếm, hỗ trợ mô hình kinh doanh về giảm nhựa – PlastiNOvation. Cuộc thi PlasPics Hunter đã thu về 364 bài dự thi từ 28 tỉnh/thành phố, tiếp cận được tới 94.693 người. Cuộc thi PlastiNOvation tiếp cận 200 doanh nghiệp trên toàn quốc, nhận được 31 đơn đăng ký – Đề án kinh doanh giảm nhựa.
Phần chính của diễn đàn đẫ tập trung chia sẻ 11 mô hình giảm thiểu rác thải nhựa nổi bật tại địa phương bao gồm: Mô hình 54 Ngôi nhà xanh, Mô hình Cửa tiệm hạnh phúc – Tái chế rác thải tạo sinh kế, Mô hình Du lịch xanh được triển khai tại Hội An; Sáng kiến “Huy động Câu lạc bộ Sống xanh tham gia quản lý rác thải tại cộng đồng, trong bối cảnh dịch Covid 19” năm 2021-2022, Mô hình Trường học xanh nói không với rác nhựa được triển khai tại Đà Nẵng; Mô hình Khu phố ẩm thực xanh Tống Duy Tân – ngõ Cấm Chỉ, Mô hình trường học Không rác thải được triển khai tại quận Hoàn Kiếm – Hà Nội; Mô hình thu gom, phân loại và tái chế rác – Mô hình sân chơi tái chế cộng động tại Liên Mạc của Hội phụ nữ Bắc Từ Liêm; Mô hình Phân loại, chuyển hoá rác thải tại chùa Đình Quán được triển khai tại quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội.
Trong quá trình một năm triển khai các mô hình này, mỗi địa phương cũng đạt được những thành tựu nhất định đi kèm với những thách thức phải vượtqua. Để phát huy tối đa những mô hình trong năm tới, các đại biểu được tham quan, chia nhóm để thảo luận về kinh nghiệm tổ chức các mô hình đồng thời chia sẻ về nhu cầu hỗ trợ của địa phương đó.
Có rất nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến và mong muốn phát triển các phong trào tại địa phương. Những thách thức trao đổi từ phần thảo luận nhóm cũng đã được trình bày trước toàn Diễn đàn để cùng rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp hiệu quả.
Chị Ngô Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành phố Hội An chia sẻ: “Tôi thấy rằng mô hình nào cũng có ý nghĩa với đời sống, chúng ta nghiên cứu thực hiện thì đã gắn liền với cách sống của người dân tại đó và quá trình phát triển kinh tế của địa phương, nhưng trong đó tôi ấn tượng với mô hình chợ nhất. Chúng tôi cũng đi vận động người dân bỏ túi nilong, tận dụng những túi giấy còn thừa, tái sử dụng túi nhưng dù năm nào cũng làm, nhưng hiệu quả không cao. Vấn đề này thực sự rất khó và đòi hỏi ý thức của người dân trong trách nhiệm với môi trường, không chỉ của mình người bán mà còn từ người mua. Qua đây thì tôi cũng rất mong các dự án, tổ chức về môi trường hỗ trợ cho địa phương, đặc biệt là các mô hình tại chợ. Bước đầu lúc nào cũng có thể gặp khó khăn, nhưng rồi nếu chúng ta cố gắng nỗ lực thì chắc chắn sẽ được”.
Sau khi hiểu được sự ý nghĩa từ Mô hình Tái chế xanh – Mô hình hướng tới tạo sinh kế cho CLB phụ nữ khuyết tật phường Cẩm Nam từ việc tái chế rác thải nhựa, đại diện Ban Quản lý chợ Hội An đã quyết định sẽ giúp đỡ đưa sản phẩm vào chợ. Tuy nhiên, để phát triển một cách lâu dài, sản phẩm từ Mô hình Tái chế xanh cần phải cải thiện chất lượng, cải thiện mẫu mã, cạnh tranh với nhiều sản phẩm khác đang có trong chợ.
Đại diện GreenHub bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được năm 2 để dự án trong năm cuối được thực hiện và đạt được kết quả tốt đẹp, góp phần đưa việc giảm thiểu rác thải nhựa trở thành một phần trong cuộc sống của mỗi người dân tại các địa phương.
Cũng tại chương trình, Nền tảng số Nhựa và Sức khoẻ (Nhuavasuckhoe.vn) – nền tảng cung cấp những kiến thức khoa học công dân uy tín về nhựa và sức khoẻ đã chính thức ra mắt. Nền tảng số là trung tâm dữ liệu được thu thập từ các chương trình dự án và thành viên PHA, cung cấp công cụ trực quan hoá dữ liệu dưới dạng bản đồ và dashboard về Giám sát rác thải biển, điểm nóng rò rỉ rác biển, giám sát rác thải biển,… và các kiến thức cần thiết cho nhiều đối tượng: Cán bộ Nhà nước, Cán bộ Nghiên cứu, Các tổ chức đoàn thể và người dân,…
Dương Diễm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Đại biểu chia sẻ mô hình giảm thiểu rác thải nhựa