Tác động của phát triển năng lượng tới môi trường

Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành năng lượng cũng gây ra những tác động nhất đinh tới môi trường.

Các số liệu trong Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2021 cho thấy các nguồn năng lượng hiện nay tại nước ta khá phong phú (nhiên liệu hóa thạch, thủy điện, sinh khối, năng lượng gió, năng lượng mặt trời…). Tuy nhiên, nguồn cung điện hiện chủ yếu vẫn dựa vào thủy điện và nhiệt điện than. Các nhà máy thủy điện lớn tập trung chủ yếu ở miền Bắc do đặc trưng về địa hình đồi núi và lợi thế về thủy văn. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện than cũng được xây dựng tại miền Bắc. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất điện đưa vào sử dụng là 60.000 MW, đến năm 2025 là 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW. Giai đoạn 2016 – 2030, bình quân mỗi năm tổng công suất nguồn điện cần hoàn thành, đưa vào vận hành là 7.000 MW.

Đối với các nhà máy nhiệt điện, mỗi loại hình công nghệ sẽ phát sinh các loại chất thải khác nhau. Lượng phát sinh chất thải phụ thuộc vào loại nhiên liệu sử dụng và công nghệ sản xuất. Trong đó, nhiệt điện than phát thải một lượng lớn bụi và khí SO , NO ; nhiệt điện dầu FO phát thải chủ yếu khí SO2, NO2; nhiệt điện khí – tuabin khí hỗn hợp phát thải chủ yếu khí NOx. Ngoài ra, hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than còn phát sinh một lượng lớn tro, xỉ, có thể sử dụng làm phụ gia cho một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020 của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 27 nhà máy nhiệt điện đốt than đang vận hành với lượng tro, xỉ phát sinh năm 2020 khoảng 17 triệu tấn. Năm 2020, lượng tro, xỉ tiêu thụ đạt khoảng 10,5 triệu tấn, chiếm 62% tổng lượng phát sinh (so với khoảng 39,5% năm 2018 và 50% của năm 2019). Tuy nhiên, khó khăn trong việc tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện tại các Trung tâm điện lực như Mông Dương, Duyên Hải đã được tháo gỡ, 100% lượng tro, xỉ phát sinh đã được tái sử dụng. Một số nhà máy nhiệt điện có tỷ lệ xử lý, tiêu thụ tro xỉ lớn như: Cần Thơ, Ninh Bình, Formosa Đồng Nai (100%); một số nhà máy tiêu thụ cả lượng phát sinh trong năm và lượng tồn chứa tại bãi chứa như: Hải Phòng (122%), Thái Bình (104%). Tro xỉ nhiệt điện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ là sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu sản xuất xi măng, gạch không nung, phụ gia bê tông, vật liệu san lấp…

Đối với các nhà máy thủy điện, toàn bộ quy hoạch thủy điện trên các dòng sông lớn đã được nghiên cứu, phê duyệt với 127 bậc thang thủy điện, tổng công suất lắp máy là 19.700 MW. Thủy điện là nguồn cung ứng điện quan trọng cho mạng lưới điện quốc gia, có chi phí sản xuất thấp và luôn được ưu tiên huy động trước các loại hình sản xuất điện khác, trong đó các nhà máy thủy điện trên các dòng sông lớn chiếm đến 70% công suất thủy điện của cả nước. Ngoài ra, các hồ chứa của các bậc thang thủy điện có dung tích lớn như Hòa Bình (9,5 tỷ m3), Sơn La (9,3 tỷ m3), Thác Bà (2,5 tỷ m3)… đã góp phần quan trọng trong việc điều tiết lũ và cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Việc ưu tiên huy động nguồn thủy điện dẫn đến việc phát triển một số công trình thủy điện nhỏ, không chú ý đến tác động về KT-XH và môi trường, đã gây tác động tiêu cực ở một số nơi như: giảm diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm ĐDSH. Bên cạnh đó, việc xả nước không thường xuyên, không đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho khu vực hạ lưu đã khiến cho các hệ sinh thái nước và ven sông ở khu vực sau đập thủy điện bị suy giảm đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp khu vực hạ lưu do thiếu nguồn nước, đặc biệt vào mùa kiệt… gây nguy cơ khô hạn và sa mạc hóa ở hạ lưu, gia tăng xói mòn, sạt lở bờ sông và xâm nhập mặn… Tại nhiều dự án thủy điện, chủ đầu tư chậm trồng rừng bù lại diện tích rừng mất đi do xây dựng thủy điện, dẫn đến thiên tai trong vùng ngày một khốc liệt, đe dọa an sinh xã hội.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, để xây dựng các công trình thủy điện, nhiều đất đai các loại đã phải thu hồi. Bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng khoảng 7,41 ha (trong đó có 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất lúa, 0,808 ha đất màu, 2,726 ha đất rừng, 1,507 ha đất sông suối) và tái định cư 0,16 hộ dân. Quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông hiện có. Việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình cũng bị “lâm tặc” lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường, việc đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết vấn đề cân bằng cung cầu năng lượng, an ninh năng lượng, đồng thời góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năng lượng tái tạo sẽ dần được đầu tư và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng quốc gia, dự kiến lên 21% năm 2030. Chủ trương định hướng phát triển năng lượng tái tạo cũng được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030 và 25 – 30% vào năm 2045.

Đồng Xuân

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh hoạ