Sửa nhiều quy định về quy chế an toàn hàng không

Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 01/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Bộ quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Theo dự thảo, nội dung của nhiều phụ lục có sự điều chỉnh. Cụ thể, với các chính sách, thủ tục và định nghĩa chung, bổ sung quy định về trách nhiệm của Cục Hàng không VN trong việc công nhận tự động giấy phép, năng định của các đối tượng nhân viên hàng không.

Theo đó, việc công nhận tự động giấy phép, năng định của các đối tượng nhân viên hàng không theo quy định được thực hiện khi: Đã thông qua các quy định cấp phép chung giữa các quốc gia; Đã ký kết một thỏa thuận chính thức công nhận quy trình công nhận tự động; Thiết lập một hệ thống giám sát để đảm bảo việc tiếp tục thực hiện các quy định cấp phép chung; Đăng ký thỏa thuận với ICAO theo Điều 83 Công ước Hàng không dân dụng quốc tế; Khi một giấy phép được công nhận tự động thì trên giấy phép đó sẽ phải có một xác nhận về quốc gia cấp phép nằm trong danh sách đã được ký kết thỏa thuận.

Ngoài ra, Cục Hàng không VN có trách nhiệm cung cấp cho các quốc gia thành viên ICAO khác thông tin xác thực của giấy phép nhân viên hàng không do Cục Hàng không VN cấp.

Cùng đó, Cục Hàng không VN phải đảm bảo thông tin an ninh hàng không nhạy cảm không được truyền đi khi phân phối thông tin bắt buộc về khả năng đủ điều kiện bay liên tục, cũng như phải đảm bảo rằng thông tin an ninh hàng không nhạy cảm được truyền an toàn đến cơ quan có thẩm quyền ở quốc gia thiết kế.

Liên quan tới quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tiêu chuẩn, dự thảo Thông tư bổ sung quy định: Khi Cục Hàng không VN lần đầu tiên đăng ký tàu bay thuộc loại tàu bay cụ thể và thực hiện cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay mà Cục Hàng không VN không phải là Nhà chức trách hàng không của quốc gia thiết kế loại tàu bay đó, Cục Hàng không VN phải thông báo cho quốc gia thiết kế rằng đã đăng ký tàu bay này vào sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

Trong việc báo cáo sự cố kỹ thuật, đối với tàu bay đăng ký mang quốc tịch Việt Nam, căn cứ vào từng sự cố cụ thể, Cục Hàng không VN thực hiện nghĩa vụ thông báo sự cố theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế (ICAO).

Cơ quan này cũng có thể yêu cầu chủ sở hữu hoặc người khai thác tàu bay thực hiện báo cáo cho tổ chức chịu trách nhiệm thiết kế tàu bay, tổ chức chịu trách nhiệm thiết kế động cơ, cánh quạt, tổ chức chịu trách nhiệm thiết kế cải tiến hoặc sửa chữa.

Theo Cục Hàng không VN, việc sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ của hệ thống quy chế an toàn hàng không Việt Nam với các phụ ước của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) theo khuyến cáo của Nhóm công tác của Văn phòng ICAO khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ ngày 17-21/7 khi công tác tại Việt Nam.

Điều này nhằm hỗ trợ Cục Hàng không VN nâng cao năng lực giám sát an toàn trong các lĩnh vực. Trong đó có lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay nhằm chuẩn bị cho đánh giá sát an toàn toàn cầu (USOAP) của ICAO đối với Việt Nam thực hiện vào tháng 5/2024.

Các sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng các nội dung hiện hành dựa trên các công thư và các cập nhật mới nhất của các phụ ước của ICAO.

Đồng thời, đảm bảo sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định đáp ứng kinh nghiệm, thực tiễn công tác đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam, cũng như nâng cao công tác đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam.

Hiểu Đồng – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Việc sửa đổi các quy định trong Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/sua-nhieu-quy-dinh-ve-quy-che-an-toan-hang-khong-192240301133730678.htm