Sự bất bình đẳng trong tác động do biến đổi khí hậu

Nhà phân tích khí hậu Friederike Otto vừa lên tiếng cảnh báo về sự bất bình đẳng trong tác động của nắng nóng cực đoan, cùng với hàng ngàn ca tử vong không được báo cáo tại các quốc gia và cộng đồng nghèo.

Nhiệt độ toàn cầu đang đạt mức cao kỷ lục, với các đợt sóng nhiệt được ví như “kẻ giết người thầm lặng” tấn công những người sống trong các nền kinh tế yếu nhất.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi hành động khẩn cấp, nhấn mạnh rằng nhiệt độ cực đoan không chỉ gây ra tử vong mà còn làm suy yếu các mục tiêu phát triển bền vững. Theo ước tính, mỗi năm có gần nửa triệu người tử vong vì nắng nóng, con số này gấp khoảng 30 lần so với những gì bão nhiệt đới gây ra.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhóm thu nhập thấp phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt mà không có đủ phương tiện bảo vệ. Chính quyền nhiều nước kém phát triển không đủ khả năng thu thập dữ liệu hoặc điều tra các trường hợp tử vong do nhiệt, đặc biệt tại các khu vực xung đột như Afghanistan, Sudan, và Somalia.

Trong những thập kỷ tới, số ca tử vong do căng thẳng nhiệt độ được dự báo sẽ tăng mạnh ở các quốc gia thu nhập thấp. Tuy nhiên, những người tử vong do nhiệt lại không phải là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. 1% người giàu nhất thải ra hơn 2/3 tổng lượng khí thải của thế giới, chỉ riêng lượng khí thải Carbon của họ trong năm 2019 cũng đủ để gây ra cái chết liên quan đến nhiệt độ của 1,3 triệu người.

Để đối phó với tình trạng này, một số quốc gia đã ban hành luật bảo vệ người lao động khỏi nhiệt độ cao. Tuy nhiên, theo chuyên gia Friederike Otto, cần có nhiều hành động toàn cầu hơn nữa để đối phó với cuộc khủng hoảng nắng nóng đang diễn ra và không được bỏ sót bất kỳ trường hợp tử vong nào do nhiệt độ cực đoan.

Lâm Hà

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan làm trầm trọng thêm nghèo đói trên thế giới. Ảnh tham khảo