Sốt ruột với dự án chống ngập

Mùa mưa đã cận kề, các công trình thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng vẫn đang dừng thi công dù TP HCM và nhà đầu tư đã có nhiều kiến nghị để sớm hoàn thành dự án

Những ngày đầu tháng 5, công trình cống kiểm soát triều Tân Thuận vẫn trong tình trạng im lìm. Đây là 1 trong 6 cống ngăn triều thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).

Phơi nắng, phơi sương

Không khí im ắng của công trình khác hẳn so với sự tấp nập, nhộn nhịp đang diễn ra tại khu dân cư xung quanh. Thời điểm phóng viên có mặt tại công trình, chỉ ghi nhận có một bảo vệ làm nhiệm vụ trông coi, không có công nhân, máy móc thiết bị làm việc.

Tại khu vực bên phía quận 4, công trình lộ rõ sự hoang hóa. Ngoài cống đang nằm phơi mưa nắng thì dãy nhà kế bên cũng chung số phận. Công trình phụ này được xây với kết cấu kiên cố nhưng đã lộ vẻ xuống cấp. Cây cỏ trong khuôn viên chết khô. Do bị bỏ không lâu ngày nên xung quanh đây trở thành nơi đổ rác trộm.

Theo nội dung trên bảng thông tin về dự án thì thời gian thi công tại khu vực được rào chắn là từ tháng 9-2019 đến tháng 9-2020. Tuy nhiên, đến nay đoạn rào chắn vẫn chưa được tháo dỡ. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng, cải tạo cảnh quan đô thị khác của địa phương. Bằng chứng là đoạn vỉa hè lân cận đã được nâng cấp sạch sẽ, khang trang, trong khi chỉ còn mỗi đoạn vỉa hè bị rào chắn lại để thi công công trình cống Tân Thuận thì chưa thể triển khai nâng cấp.

Hơn 50 năm sống tại khu vực công trình cống kiểm soát triều Tân Thuận, ông Nguyễn Đình Tài (62 tuổi, ngụ quận 4) cho biết vẫn đang ngóng từng ngày công trình được hoàn thành, vì đã ngừng thi công từ nhiều năm qua.

“Cái cống thì thấy đã hình thành lên rồi nhưng không hiểu sao ngừng thi công mấy năm qua. Mong công trình sớm hoàn thành để cuộc sống người dân không bị đảo lộn mỗi khi triều cường” – ông Tài nói.

Ông Trương Văn Diễn (63 tuổi, ngụ quận 7) cho biết gia đình ông nằm trong số những hộ dân bàn giao mặt bằng sớm để thực hiện công trình cống.

“Cũng muốn công trình này đi vào hoạt động, xem thử cái cống đóng mở nó ra sao, chống ngập được bao nhiêu. Nhưng chờ hoài mà không thấy vận hành. Công trình bỏ không vậy là rất lãng phí, trong khi người dân chúng tôi thì vẫn phải lội nước mỗi khi triều cường dâng cao. Nhiều nhà xung quanh đây bị nứt do quá trình thi công nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ” – ông Diễn cho biết.

Công trình phụ của cống ngăn triều Tân Thuận có dấu hiệu xuống cấp do dự án ngừng thi công nhiều năm

Đi theo con đường Phú Định (phường 16, quận 8), phóng viên tìm đến công trình cống ngăn triều Phú Định.

Con đường dẫn vào chân công trình này đã bị xuống cấp, gồ ghề, chi chít ổ gà. Một bên đường đã được rào chắn lại để thi công công trình, bên còn lại là nhà dân nằm san sát nhau. Phía trước mỗi nhà đều có để sẵn những bao cát để ngăn nước không tràn vào nhà mỗi khi triều cường dâng cao.

Chị Nguyễn Thị Tý (ngụ đường Phú Định, quận 8) buồn rầu: “Con đường này trước đây là đường nhựa, xe buýt chạy bon bon. Kể từ ngày thi công cống thì được rào chắn lại, chỉ đủ một chiếc xe máy chạy. Đã 8 năm trôi qua nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành. Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn, thậm chí là thiệt hại rất nhiều”.

Theo lời chị Tý, trước đây khu vực này là chợ cóc, dù nhỏ nhưng buôn bán được nên có đồng ra đồng vào. Còn bây giờ đường sá xuống cấp, rào chắn lại nên buôn bán ế ẩm. Nhiều người phải trả mặt bằng, thậm chí có người vì nợ nần mà phải bỏ đi nơi khác sống.

Cũng theo chị Tý, trước khi làm cống này thì chỉ ngập vào các tháng 10 và 11 âm lịch. Còn kể từ khi có công trình này thì hầu như tháng nào cũng ngập. Từ Tết đến giờ, khi thủy triều lên cao là nhà chị Tý lại chìm trong nước.

Những kế hoạch, mục tiêu lớn

Những ngày qua, TP HCM đã đón những cơn “mưa vàng” đầu tiên, báo hiệu sắp bước vào mùa mưa.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa mưa tại Nam Bộ sẽ bắt đầu từ khoảng ngày 10 đến 20-5, với tổng lượng mưa dự báo sẽ cao hơn so với mọi năm, khoảng 5%-15%.

Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc người dân nhiều nơi ở TP HCM lo lắng khi phải đối mặt với cảnh ngập nước trên những tuyến đường, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt.

Chương trình giảm ngập nước và xử lý nước thải TP HCM giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu giải quyết trình trạng ngập cho 18 tuyến đường bị ngập nước do mưa, cụ thể: Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Quý, Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ A1 (TP Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm. Trong đó, đến nay đã giải quyết được tình trạng ngập nước cho 5 tuyến, cụ thể: Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình) và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Theo Sở Xây dựng TP HCM, mục tiêu trong giai đoạn 2024-2025 sẽ giải quyết ngập cho 13 tuyến còn lại.

UBND TP HCM cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP HCM giai đoạn 2024-2025. Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn này sẽ khởi công 3 dự án trên địa bàn quận Gò Vấp, cụ thể: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu) và Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt).

Cạnh đó là chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án, cụ thể: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền – Quốc Hương – Xuân Thủy – Nguyễn Văn Hưởng; Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức; Nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn; Nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng; Cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A và Xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh.

Liên quan các tuyến đường ngập do triều, UBND TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỉ trong giai đoạn 2024-2025 để giải quyết ngập cho khu vực quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Cạnh đó là hoàn thành Dự án Bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm) để giải quyết ngập cho tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức).

Nhiều đề xuất quan trọng

Dự án chống ngập 10.000 tỉ là một phần thuộc hệ thống công trình theo phương án Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28-10-2008 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM. Khi đi vào vận hành, dự án giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố được hưởng lợi.

Với dự án này, TP HCM chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước các dự án thoát nước đô thị (theo Quy hoạch 752). Trước mắt, dự án giải quyết ngập do triều cho 4 tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn và Quốc lộ 50.

UBND TP HCM đã có văn bản báo cáo tổ công tác gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP HCM (Tổ Công tác Chính phủ) những khó khăn, vướng mắc của dự án. Đồng thời, kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ thống nhất nguyên tắc chấp thuận các pháp lý đã được thành phố báo cáo cụ thể và Thường trực Chính phủ thể hiện tại Nghị quyết số 40/NQ-CP, trong đó bao gồm hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký trước thời điểm ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP. UBND TP HCM nhận định việc thống nhất quan điểm của Tổ Công tác Chính phủ sẽ tạo thuận lợi cho các bộ, ngành trong quá trình tham gia cùng thành phố tháo gỡ các khó khăn của dự án.

Cạnh đó, kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ báo cáo Thủ tướng chấp thuận áp dụng quy định để TP HCM ủy thác cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) cho vay dự án hoặc Chính phủ chấp thuận ban hành quy định để HFIC nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách Nhà nước thành phố. TP HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT và các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Nhà đầu tư thanh toán nợ với Ngân hàng BIDV và HFIC theo các thỏa thuận, hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư dự án) đã kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (Tổ trưởng Tổ Công tác Chính phủ) quan tâm hỗ trợ để có chỉ đạo cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng sớm triển khai thi công trở lại. Đơn vị này mong muốn sớm hoàn thành và đưa vào vận hành dự án nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tránh thiệt hại phát sinh lãi vay rất lớn mỗi ngày.

Liên quan nội dung này, đầu tháng 3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Chủ tịch UBND TP HCM khẩn trương giải quyết vướng mắc liên quan dự án; chủ động chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của chủ đầu tư theo thẩm quyền.

Mới đây nhất, Văn phòng UBND TP HCM truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp các sở, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, giải quyết các đề nghị của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam; đồng thời gửi tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản của UBND thành phố báo cáo Tổ Công tác Chính phủ.

Dừng thi công dù đã xong 95%

Đến nay, toàn bộ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng. Các hạng mục của dự án gồm cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và tuyến Đê/kè, nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA đã hoàn thành khoảng 80%-94%. Tuy nhiên, dự án đã dừng thi công khoảng 3 năm qua do gặp khó khăn về nguồn vốn.

Cụ thể, thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn đã hết hạn từ ngày 30-9-2020 nên Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân cho Ngân hàng BIDV để cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam vay thực hiện dự án. Theo tiến độ ban đầu, dự án sẽ hoàn thành từ ngày 30-6-2020 nhưng do ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng trên các quận, huyện còn chậm, tác động của dịch COVID-19 làm kéo dài tiến độ thi công, dẫn đến hết hạn được giải ngân khoản vay tái cấp vốn.

Bài và ảnh: Lê Vĩnh – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Toàn bộ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng nhưng vẫn chưa biết khi nào đưa vào sử dụng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/sot-ruot-voi-du-an-chong-ngap-196240504202250493.htm