Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk sốt đất chưa từng thấy, lượng giao dịch về đất đai tăng đột biến với 103.000 lượt, tăng gần 200% so với cùng kỳ.
Ngày 13-4, Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã đề nghị sở này làm rõ một số nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề sốt đất tại tỉnh trong thời gian qua, gây hệ lụy lâu dài.
Báo cáo với Đoàn, ông Trần Đình Nhuận, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, cho biết thời gian qua, giao dịch mua bán đất đai trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, đặc biệt là tại các xã và vùng phụ cận TP Buôn Ma Thuột; ven hồ, ven suối và vùng gần các công trình trọng điểm. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2022, có hơn 103.000 giao dịch mua bán đất đai, tăng gần 200% so với cùng kỳ.
Về mức giá thì cao hơn thời điểm cao điểm nhất là quý 4 năm 2021. Có sự chuyển dịch lớn về đối tượng và nhu cầu, người dân từ TP HCM, Hà Nội về vùng ven TP Buôn Ma Thuột tập trung mua đất ở có chỉ số môi trường, không gian tốt.
Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk phân tích có 6 nguyên nhân dẫn đến sốt đất như: Tác động quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tác động từ các dự án trọng điểm được trung ương đầu tư, tác động phát triển quy hoạch đô thị, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lạm phát, xung đột và tâm lý đám đông. Bên cạnh đó, nhà đầu tư quan tâm đến chỉ số môi trường tốt của tỉnh để xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng.
Ông Nhuận cũng nhận định việc yếu kém trong công tác quản lý đất đai, nhất là việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cả những khu vực không đảm bảo hạ tầng, cho đối tượng không có nhu cầu làm nhà ở. Ngoài ra, pháp luật về đất đai còn bất cập, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân làm nhà ở không quy định hạn mức, không quy định điều kiện, bảng giá đất của nhà nước quy định không theo sát giá thị trường…
Việc sốt đất đã tạo ra 4 hệ lụy cơ bản, gồm: Khó khăn trong thực hiện và quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường, khiếu kiện, xung đột tăng lên, thất thu cho ngân sách khi giao dịch mua bán đất. Một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số thấy giá đất tăng cao thì bán đất rồi sử dụng tiền không hiệu quả, mất đất sản xuất, mất việc làm…
“Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kể cả giao cho cơ quan công an làm rõ các đối tượng tung tin đồn đẩy giá đất cao bất thường để trục lợi. Chỉ đạo UBND huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Tiếp tục đề nghị sửa đổi hạn mức tách thửa đất nông nghiệp theo hướng ở thành phố thì 1.000m2 trở lên, huyện thì 2.000 m2 trở lên. Cùng với đó, giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu để giá đất nhà nước quy định sát với giá thị trường, công chứng mua bán đất phải sát với giá thực tế…” – ông Nhuận cho biết thêm.
C. Nguyên – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Các đối tượng cắm bảng giả quy hoạch dự án, tung tin đồn để đẩy giá đất tại xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk
Xem bài viết gốc tại đây: