Sông Tô Lịch liệu có kịp hồi sinh?

Sau 3 tuần lắp đặt hệ thống xử lý thí điểm ô nhiễm bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản tại lòng sông Tô Lịch nhiều người dân tại đây cảm nhận rõ là góc sông đã hạn chế bốc mùi hôi thối. Thế nhưng sông Tô Lịch liệu có kịp hồi sinh khi hàng trăm cống to, nhỏ với hàng ngàn m3 nước thải sinh hoạt của người dân vẫn xả thẳng xuống sông mỗi ngày?

Không chỉ những người dân sinh sống tại khu vực thượng lưu hai bên bờ sông Tô Lịch chờ đợi sự thay đổi kỳ diệu, mà những cư dân Thủ đô cũng kỳ vọng dòng sông này có thể được hồi sinh, trở về với không gian thoáng đãng và trong lành.

Máy xử lý nước trong hơn và giảm dần những váng keo trên mặt nước

Các chuyên gia Nhật Bản thường xuyên giám sát máy hoạt động

Dự án thí điểm làm sạch 300 m sông Tô Lịch

Theo ghi nhận của phóng viên, những chiếc máy xử lý nước ô nhiễm hoạt động êm đềm cả ngày lẫn đêm. Vào những buổi chiều, những người dân đi bộ hai ven bờ sông sẽ thấy rất rõ những khoảng hồi sinh của sông Tô Lịch. Đặc biệt là ở khu vực gần chiếc máy xử lý nước trong hơn và giảm dần những mảng keo đóng trên bề mặt nước.

Sau 3 tuần thử nghiệm, công nghệ Nano – Bioreactor cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó. Thế nhưng chỉ cần 1 chiếc máy ngừng hoạt động trong vài tiếng đồng hồ nước sông Tô Lịch lại đen đục, váng, mảng keo theo dòng chảy lại tiếp tục bám vào máy.

Máy chỉ cần ngưng chạy vài tiếng là váng, mảng keo lại vây quanh

Công nhân vất vả di chuyển dưới lớp bùn đen

Sông Tô lịch còn rất nhiều nhiều cống, rãnh, to, nhỏ hai bên bờ vẫn xả thẳng nước thải xuống sông

Người dân thiếu ý thức vẫn vứt rác và xả phế thải trực tiếp xuống sông…

Những chiếc máy kỳ vọng sẽ hồi sinh sông Tô Lịch

Từ các chuyên gia đến người dân đều hiểu, những chiếc máy mà chuyên gia người Nhật mang đến Việt Nam đã hồi sinh phần nào cho dòng sông Tô Lịch. Nhưng những chiếc máy không phải là thần thánh, không thể cải tạo dòng sông Tô Lịch trong sạch bền vững khi hàng ngàn m3 nước thải sinh hoạt của người dân vẫn xả thẳng xuống sông mỗi ngày. Chính vì vậy việc đầu tiên cần phải xử lý từ nguồn gốc ô nhiễm khởi đi, từ ý thức của mỗi người và rác thải, nước thải của hệ thống cống rãnh hai bên bờ sông và cuối cùng mới đến xử lý dòng sông.

Phạm Tiệp – Báo Công Thương

Theo Công Thương

Ảnh: Lắp đặt hệ thống xử lý thí điểm ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congthuong.vn/song-to-lich-lieu-co-kip-hoi-sinh-120788.html