Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm tại sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) gây bức xúc và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Nguyên nhân gây ô nhiễm đã được xác định từ lâu, nhưng để giải quyết vẫn là một bài toán khó.
Xả thải thẳng ra sông
Cũng giống nhiều dòng sông khác bị ô nhiễm, sông Ngũ Huyện Khê đã bị ô nhiễm trầm trọng. Ði dọc dòng sông, không khỏi rùng mình với những thứ trôi nổi trên mặt nước. Ðó là tập hợp của lớp chất thải bột giấy đóng váng bám vào cây cỏ, rác thải, nước thải nước sinh hoạt… khiến dòng sông bốc mùi nồng nặc. Thứ nước hỗn tạp đó ẩn chứa sự chết chóc bởi mùi hôi thối bốc lên và những gì đang có trên dòng sông. Qua mắt thường cũng có thể thấy sự ô nhiễm của dòng sông quá nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Nguyên nhân là do dòng sông phải tiếp nhận nước thải từ các làng nghề truyền thống sản xuất giấy ở phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du). Phường Phong Khê hiện có khoảng 200 cơ sở sản xuất đang hoạt động, trong đó Cụm công nghiệp Phong Khê 1 có khoảng 72 cơ sở (công suất từ 10 nghìn tấn đến 30 nghìn tấn sản phẩm/năm); Cụm công nghiệp Phong Khê 2 có 51 cơ sở (công suất từ 20 nghìn tấn đến 80 nghìn tấn sản phẩm/năm; ngoài ra còn khoảng 170 cơ sở còn lại hoạt động xen lẫn với 2.000 – 6.000 tấn sản phẩm/năm. Hai cụm công nghiệp này không có Ban quản lý để vận hành hoạt động, hạ tầng không được đầu tư đồng bộ từ hệ thống giao thông đến hệ thống cống dẫn, thoát nước thải… Tương tự như vậy, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) có quy mô 32 ha với 26 cơ sở sản xuất giấy, hạ tầng cụm công nghiệp không được đầu tư đồng bộ, đường dẫn, thoát nước thải không được quy hoạch cho nên luôn trong tình trạng ngập úng. Nước thải được gom vào hai ao chứa, rồi sau đó bơm thẳng ra sông. Ðiều quan trọng, việc bơm nước do các cơ sở tự thỏa thuận thống nhất đóng tiền, lắp đặt bơm mà không được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Lượng nước thải phát sinh của các cơ sở sản xuất giấy ước tính khoảng 17.000 m3/ngày đêm và được thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê mà không qua khâu xử lý. Ngoài vấn đề xả nước thải gây ô nhiễm, chất thải rắn phát sinh cũng không được thu gom, xử lý, nylon (ni-lông) được đổ, thải tự phát ở hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, với tính chất làng nghề, quy mô nhỏ lẻ, máy móc lạc hậu, khí thải phát sinh từ quá trình đốt lò hơi không qua hệ thống xử lý đã gây ô nhiễm không khí, nhất là khu vực phường Phong Khê.
Ðể giải quyết vấn đề ô nhiễm, ngay từ năm 2008, UBND thành phố Bắc Ninh đã đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề giấy Phong Khê với công suất thiết kế là 5.000 m3/ngày đêm. Năm 2018, dự án đi vào hoạt động thử nghiệm. Tuy nhiên, do hiệu quả xử lý về công suất và chất lượng sau xử lý không đạt tiêu chuẩn thiết kế, cho nên năm 2020, đơn vị vận hành hệ thống đã bàn giao lại cho Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế cải tạo, nâng cấp hệ thống. Do đó, nước thải tiếp tục lại xả trực tiếp vào hệ thống cống thoát nước thải rồi chảy ra sông Ngũ Huyện Khê.
Cụm công nghiệp Phú Lâm cũng đã được UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý về chủ trương và giao Công ty cổ phần môi trường xanh Kinh Bắc thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nước thải và thu gom rác với công suất 4.500 m3/ngày đêm, dự án đã giải phóng mặt bằng, tuy nhiên tới nay dự án chưa triển khai theo tiến độ phê duyệt.
Việc gây ảnh hưởng môi trường đã rõ, chính quyền, lực lượng công an cũng đã xử phạt hàng chục tổ chức, cá nhân vi phạm trong suốt thời gian qua. Ngay từ đầu năm 2021, lực lượng công an đã tiến hành xử phạt 11 tổ chức với số tiền hơn 870 triệu đồng; UBND thành phố Bắc Ninh xử phạt bảy cơ sở sản xuất với hơn 2,2 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ sản xuất chín tháng đối với sáu cơ sở sản xuất.
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để giải quyết, tuy nhiên, việc xử lý đã nảy sinh những bất cập. UBND huyện Tiên Du đã tháo dỡ, niêm phong hai trạm bơm của các cơ sở trong Cụm công nghiệp Phú Lâm, tháo dỡ toàn bộ máy bơm nước đầu vào trên kênh tiêu Phú Lâm. Việc tháo dỡ, niêm phong lại gây ra tình trạng ngập úng, nước thải chảy tràn vào nhà dân, ruộng canh tác, khu nghĩa trang và chùa Hạ Giang làm ảnh hưởng diện tích trồng lúa thôn Giới Tế, thôn Hạ Giang và một số trang trại nuôi cá.
Cũng giống như vậy, từ cuối tháng 3/2021, UBND thành phố Bắc Ninh cũng tiến hành lấp, tháo dỡ năm ống xả thải của các cơ sở sản xuất. Còn lại sáu điểm khác, do là nơi vừa tiếp nhận nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt với lưu lượng lớn cho nên nếu tháo dỡ, phá bỏ hệ thống cống thoát nước thải chung sẽ gây ngập úng toàn bộ phường Phong Khê và đất canh tác của người dân.
Xả thải làm ảnh hưởng dòng sông, nhưng việc niêm phong, tháo dỡ máy bơm sẽ khiến nước thải tràn vào nhà dân, trường học. Trong khi đó, việc xử phạt hành chính gặp nhiều khó khăn do hầu hết tài sản của tổ chức, cá nhân vi phạm bao gồm máy móc, nhà xưởng, văn phòng, phương tiện, nguyên liệu đầu vào, thành phẩm đầu ra đều được cầm cố tại các ngân hàng hoặc được các ngân hàng bảo lãnh. Vì vậy, việc xác minh tài khoản, kê biên tài sản để áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính theo quy định gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp đình chỉ sản xuất cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Với tính chất làng nghề, quy mô nhỏ lẻ, lưu lượng xả thải thường rất nhỏ, khoảng từ 5 m3 đến 50 m3/ngày đêm đối với nước xả thải; từ 1.000 m3/giờ đến 10.000 m3/giờ đối với khí thải, thấp hơn nhiều so với định lượng được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật. Theo quy định, để tạm đình chỉ hoạt động thì tối thiểu là 80 m3/ngày đêm đối với nước thải và tối thiểu 20.000 m3/giờ đối với khí thải. Theo Nghị định 155/2016/NÐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lại không có hình phạt bổ sung là thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh cho nên không có căn cứ để triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, việc ngừng cung cấp điện sản xuất nếu có vi phạm nhiều lần cũng không còn được áp dụng.
Cũng vì lưu lượng xả thải nhỏ, thấp hơn rất nhiều so với định lượng được quy định trong Bộ luật Hình sự là xả thải từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày đêm cho nên việc áp dụng các biện pháp hình sự cũng gặp khó khăn. Hơn nữa, việc xả thải thường ngắt quãng, không liên tục dẫn tới khó đánh giá lưu lượng thải trong đủ 24 giờ. Các chỉ số ô nhiễm trong nước thải không có chất phóng xạ, chất thải nguy hại cho nên không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Phong Khê và Phú Lâm.
Có thể thấy, sự ô nhiễm ở dòng sông Ngũ Huyện Khê đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, nhưng chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe và hữu hiệu. Việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải vẫn còn chưa hoàn thành, bài toán đến lúc nào sông Ngũ Huyện Khê hay rộng hơn là cả lưu vực sông Cầu mới xanh trong trở lại vẫn còn chưa có lời giải…
Đức Hiếu – Thái Sơn – Báo Nhân Dân
Theo Nhân Dân
Ảnh: Các doanh nghiệp ở Phong Khê vô tư xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nhandan.vn/dieu-tra-qua-thu-ban-doc/song-ngu-huyen-khe-bao-gio-het-o-nhiem–653518/