Sớm nghiên cứu cụ thể quản lý tài nguyên nước theo từng lưu vực

Sớm nghiên cứu cụ thể quản lý tài nguyên nước theo từng lưu vực là nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại cuộc họp Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước trên toàn quốc và dự báo trong 6 tháng tới do Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức chiều 4/12, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, vấn đề quy hoạch tài nguyên nước cần được nghiên cứu, tính toán cụ thể ở từng lưu vực như lưu vực sông Hồng, sông Đà và sông Đuống… Đồng thời, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, theo dõi, cập nhật dự báo diễn biến tình hình khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020; cung cấp kịp thời cho các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác ứng phó, sớm đưa ra báo cáo tình hình tài nguyên nước trên toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ.

Nguy cơ cao thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn ở các vùng miền

Nhận định về tình hình thủy văn mùa khô trên cả nước năm 2019-2020, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết: Tại khu vực Bắc Bộ từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020, nguồn nước trên các sông suối tại khu vực này tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt thiếu vào các tháng 12/2019 và tháng 1/2020.

Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2020, mực nước trên các sông xuống dần, riêng trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận có khả năng xuất hiện lũ nhỏ trong tháng 1/2020. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Lượng dòng trên các sông giảm cùng kỳ phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 – 60%, riêng các sông ở Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Khu vực Nam Bộ từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 25,6 tỉ m3 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 3,4 tỉ m3, thấp hơn so với năm 2018-2019 10,1 tỉ m3; từ tháng 3-5/2020 tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 26,4 tỉ m3 ở mức cao hơn với trung bình nhiều năm 6,9 tỉ m3, thấp hơn năm 2019 9,8 tỉ m3. Trong những tháng đầu mùa khô 2019-2020, tình hình thiếu nước, khô hạn ở các vùng miền và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ có nguy cơ cao xảy ra.

Về hiện trạng nguồn nước các hồ chứa trên các lưu vực sông, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh nêu rõ: Hiện nay, cơ bản 11/11 lưu vực sông đang ở đầu thời kỳ đầu mùa cạn, dù mới bước vào đầu thời kỳ đầu mùa cạn nhưng tại 7/11 lưu vực sông (Hồng, Cả, Mã, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Ba) nguồn nước các hồ chứa đang thấp hơn so với yêu cầu tối thiểu phải đạt được vào mùa cạn. Còn 4/11 lưu vực còn lại (Sê San, SrePok, Kôn, Đồng Nai) mặc dù về tổng thể thì không thiếu nước, nhưng không có hồ chứa nào đạt mực nước dâng bình thường và vẫn còn một số hồ chứa có mực nước rất thấp, tích nước chỉ đạt được dung tích thiết kế quá ít như: 8% ở hồ Ka Nak, 45% ở hồ Sê San và 4, 40% ở hồ Đại Ninh.

Theo thống kê, hiện có khoảng 900 hệ thống thủy lợi loại vừa và lớn. Số lượng công trình của các hệ thống này rất lớn – khoảng hơn 6.000 hồ chứa nước. Trên cơ sở tổng hợp số liệu của khoảng 300 hồ chứa thủy lợi trên cả nước, Cục Quản lý tài nguyên nước nhận định về hiện trạng nguồn nước các hồ như sau: Cơ bản trên phạm vi cả nước tỷ lệ các hồ chứa đã tích đầy nước và đạt mực nước dâng bình thường chiếm khoảng 20-30% tùy từng khu vực, khoảng 50-60% các hồ còn lại tích được khoảng trên 75% dung tích thiết kế. Tuy vậy, các vùng vẫn còn nhiều hồ vừa và lớn tích được lượng nước không đáng kể, tỷ lệ tích từ 6-51% tùy từng vùng, thậm chí có hồ chỉ tích được 6-9% dung tích thiết kế. Các hồ thiếu hụt nhiều so với dung tích thiết kế tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Kon Tum, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khắc phục bất cập trong việc cấp nước

Xe bồn của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên chở nước sinh hoạt cấp miễn phí cho người dân thôn Phú Tân 2, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh minh họa: Phạm Cường/TTXVN

Để phòng, tránh những tác động của hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trong mùa cạn năm 2020 trên các lưu vực sông và trên phạm vi cả nước, Cục Quản lý tài nguyên nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đôn đốc các địa phương phải căn cứ trên tình hình nguồn nước và dự báo để xây dựng kế hoạch lấy nước cho cả mùa cạn, có thể cắt giảm một số diện tích canh tác có nguy cơ thiếu nước, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp… Các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước phía hạ du rà soát, đánh giá công tác phòng chống hạn, rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc cấp nước trong các năm qua, đặc biệt là trong năm 2019.

Đồng thời, Bộ nên có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan đến thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đảm bảo phù hợp với các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa và phù hợp với đặc điểm khai thác, sử dụng nước ở phía hạ du các hồ chứa.

Theo đó, đối với các hồ chứa nước lớn, có vai trò quan trọng cần có cơ chế đặc thù trong việc huy động điện, trên nguyên tắc ưu tiên cân đối nguồn nước cấp cho hạ du trong cả mùa cạn. Đối với các vùng không thuộc phạm vi điều tiết, cấp nước của các hồ chứa và chịu thiệt hại do hạn hán những năm qua cần được tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh công tác tìm kiếm hoặc hỗ trợ địa phương trong việc tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt tại chỗ, trong trường hợp cần thiết có thể dẫn nước đi xa để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Diệu Thúy (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Hồ chứa nước La Ngà (Quảng Trị) chỉ còn đạt 19,1% dung tích thiết kế. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/som-nghien-cuu-cu-the-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-theo-tung-luu-vuc-20191204201826745.htm