Sớm hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục lấy ý kiến địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hiện đang xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Thời gian qua, Cục đã huy động chuyên gia, các đơn vị quản lý có liên quan để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự thảo hướng dẫn kỹ thuật.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân về báo cáo tình hình xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục lấy ý kiến địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt.

Trong đó, làm rõ mục đích phân loại, nguyên tắc phân loại và kỹ thuật chi tiết trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt để các tỉnh, thành căn cứ vào những nội dung để cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Canada, Mỹ và một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Bắc Ninh… Đồng thời, Cục đã khẩn trương triển khai việc xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật qua các cuộc họp xây dựng văn bản hằng tuần và tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia và thành viên tổ soạn thảo cùng đại diện của một số đơn vị trong Bộ.

Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt được kết cấu gồm 4 phần chính: Mục đích, phạm vi, đối tượng sử dụng; Căn cứ để phân loại chất thải rắn sinh hoạt; Hướng dẫn chi tiết phân loại chất thải rắn sinh hoạt và Tổ chức thực hiện.

Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt là tài liệu tham khảo để UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Các địa phương sẽ căn cứ vào thành phần chất thải rắn sinh hoạt, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh và trung ương; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện có; nguồn lực tài chính của địa phương và tính toán đến nhu cầu thị trường tái chế; cân đối lợi ích chi phí giữa việc tái sử dụng, tái chế chất thải với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý để quyết định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Về chi tiết phân loại chất thải rắn sinh hoạt, dự thảo hướng dẫn đưa ra 3 nhóm chính gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Tại mỗi nhóm chất thải có liệt kê các loại chất thải thường thấy phát sinh tại hộ gia đình, hình ảnh minh họa và kỹ thuật khi phân loại.

Rác thải phát sinh ngày càng nhiều, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016 – 2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10 – 16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của cả nước).

Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016 – 2019, tốc độ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng trung bình 2%/năm, phần lớn chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ. Việc phân loại chất thải rắn chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và không đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý.

Trong bối cảnh lượng chất thải rắn phát sinh có tốc độ tăng 10% mỗi năm, trong khi nhiều bãi chôn lấp đang ngày quá tải, gây ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các địa phương cần sớm có lộ trình đưa chính sách (các quy định mới mang tính đột phá liên quan đến quản lý chất thải rắn) đi sâu vào cuộc sống.

Thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho thấy, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Đáng nói là 13% số rác thải phát sinh đó được đem đốt, 16% được chế biến, trong khi khoảng 71% rác là chôn lấp.

Dù vậy, việc xử lý rác theo cả 3 phương thức trên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện chôn lấp. Đáng nói hơn, tại các điểm xử lý rác theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác.

Lan Anh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/som-hoan-thien-huong-dan-ky-thuat-phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-77105.html