Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp lạch sông Ngọn ở Phú Yên

Lạch sông Ngọn thuộc địa bàn thị trấn Hòa Hiệp Trung và xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên được quy hoạch là nơi tránh, trú bão cho 1.000 tàu cá có công suất 500-1000CV neo đậu. Trước đây, lạch sông này có chiều dài khoảng 6km, rộng từ 150m đến 300m, lòng sông sâu dễ dàng cho tàu thuyền ra vào cửa biển đánh bắt cá và neo đậu an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn của lạch sông Ngọn đang bị bồi lấp nghiêm trọng, gây trở ngại cho tàu thuyền của ngư dân trong khu vực ra vào cửa biển khi đi khai thác, ảnh hưởng đến việc làm ăn và gây mất an toàn cho tàu thuyền.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay lạch sông Ngọn đoạn qua xã Hòa Hiệp Nam đã có khoảng 250m lòng sông bị cát bồi lấp, cạn kiệt. Nhiều khúc lạch sông bị bó hẹp, có chỗ chỉ còn rộng từ 10m đến 15m, tàu thuyền không thể đi lại và đến mùa mưa bão sẽ rất nguy hiểm cho ngư dân khi đưa tàu thuyền vào tránh trú.

Có hai nguyên nhân gây cho lạch sông Ngọn bị bồi lấp cạn kiệt: một là do một khối lượng cát từ các cồn cát hai bên bờ xói lở bồi lắng; hai là tại khu vực này có hàng chục hộ dân lấn chiếm trái phép mặt nước hai bên bờ sông để nuôi tôm, nuôi vẹm. Đáng lo ngại nhất là hiện nay một số vị trí gần cảng cá Phú Lạc người dân tự ý dùng bê-tông xây dựng kiên cố tạo bờ bao để nuôi trồng thủy sản rất tùy tiện.

Lạch sông Ngọn bị bồi lấp, nhiều tàu cá của ngư dân từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý tới nay phải nằm bờ, trong khi đang vào mùa khai thác. Ông Phạm Lập, chủ tàu cá PY95174TS bức xúc: “Tàu cá của gia đình tôi chuyên nghề câu cá ngừ đại dương, mọi năm đi về qua đoạn sông này rất thuận lợi, kể cả mùa mưa bão. Riêng từ cuối năm 2019 đến nay lạch sông Ngọn bị cạn kiệt, tàu cá của tôi bị kẹt trong lạch từ trước Tết Nguyên đán đến giờ vẫn chưa thể đi khai thác được. Những tàu cong suất nhỏ phải chờ khi triều lên mới ra khỏi lạch được, nhưng dễ bị mắc cạn, rất nguy hiểm ”. Ngược lại, khi tàu đã ra được bên ngoài rồi, thì khó trở vào bên trong. Nhiều trường hợp các tàu cá bị hỏng hóc, muốn vào xưởng để sửa chữa, cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Phạm Luyện, cho biết thêm: “Gia đình được nhà nước cho vay hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Sau một thời gian đánh bắt, cần phải tu sửa thay mới một số thiết bị, nhưng sông cạn không đưa tàu vào cơ sở đóng tàu của huyện Đông Hòa được. Chúng tôi phải đưa tàu vào tận thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa để sữa chữa, cho nên chi phí sửa chữa tàu tăng gấp đôi”.

Theo phản ảnh của nhiều ngư dân, việc lấn chiếm hai bên lạch sông Ngọn nuôi trồng thủy sản trái phép khiến tàu thuyền của ngư dân gặp khó khi lưu thông ra vào khu neo đậu, đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được chính quyền giải quyết dứt điểm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hòa Nguyễn Văn Hồng cho biết, tình trạng lòng sông thường xuyên bị bồi lấp, mỗi năm huyện phải chi khoảng 120 triệu đến 150 triệu đồng nạo vét tạm thời để tàu thuyền ra vào khu neo đậu. Huyện cũng kiến nghị tỉnh Phú Yên hỗ trợ, nạo vét lạch sông Ngọn đảm bảo tàu thuyền ra vào thuận lợi. Đối với tình trạng người dân lấn chiếm dọc hai bên lòng sông để nuôi trồng thủy sản, huyện đã đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm và sẽ tiền hành các thủ tục tháo dỡ.

Từ phản ảnh kiến nghị của huyện Đông Hòa, mới đây, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã đi kiểm tra thực tế tại lạch sông Ngọn, và đã chỉ đạo huyện Đông Hòa sớm có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng người dân lấn chiếm lòng sông nuôi trồng thủy sản; khơi thông tạo luồng lạch thông thoáng cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu, tránh trú bão. Đồng thời rà soát lại số lượng tàu thuyền trong khu vực, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất tỉnh giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng lạch sông Ngọn bị bồi lấp, để phát huy hiệu quả khu neo đậu, tránh trú bão, tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Trình Kế – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Người dân tự ý lấn dòng nuôi vẹm trên lạch sông Ngọn huyện Đông Hòa, Phú Yên.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43412802-som-co-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-boi-lap-lach-song-ngon-o-phu-yen.html