Sông Nhuệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 8 quận, huyện thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chất lượng và nguồn nước của dòng sông này đang bị suy giảm và ô nhiễm nghiêm trọng. Sớm bổ sung nguồn nước cho sông Nhuệ đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Sông Nhuệ có nhiệm vụ tạo nguồn nước tưới cho khoảng 12.850ha sản xuất nông nghiệp của 8 quận, huyện thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Liên Mạc Nguyễn Văn Hiện, nhiều năm nay đơn vị không thể vận hành cống Liên Mạc để dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến các tháng 1, 2, 3 của năm sau. Nguyên nhân là do cống Liên Mạc xây dựng từ năm 1938; được thiết kế lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ ở cao trình 3,77m. Trong khi mực nước cao nhất tại các đợt điều tiết nước từ hồ thủy điện, mực nước sông Hồng, đoạn cống Liên Mạc (3 năm gần đây) chỉ đạt 2,3m, thấp hơn khả năng lấy nước của cống tới 1,47m. Do vậy, đơn vị quản lý thường xuyên phải đóng cống Liên Mạc để ngăn nước sông Nhuệ thoát ra sông Hồng.
Để cấp đủ nước gieo cấy lúa xuân, các đơn vị thủy nông đã phải sử dụng phương pháp “lấy nước ngược” từ sông Đáy thông qua các đợt thủy triều, nguồn cấp bổ sung từ các trạm bơm dã chiến Bá Giang, Quang Lãng… Điều này đã làm kéo dài thời gian lấy nước, ảnh hưởng tiến độ cấp nước và thời vụ gieo cấy lúa xuân. Thực tế thời điểm hiện tại, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín… thuộc vùng cấp của sông Nhuệ chưa có nước làm đất, gieo cấy lúa xuân 2021.
Ngoài khó khăn về nguồn nước, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cũng đánh giá, chất lượng nước sông Nhuệ hiện nay không bảo đảm tiêu chuẩn cấp cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nhất là để nuôi trồng thủy sản, phát triển nông sản sạch khi 20/23 điểm quan trắc có hàm lượng amoni cao hơn giới hạn cho phép rất nhiều lần.
Để chủ động nguồn nước, nâng cao chất lượng nước sông Nhuệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, do thay đổi các quy định liên quan hình thức đầu tư này nên hiện nay dự án trên vẫn chưa thể triển khai…
Để chủ động nguồn cấp và cải thiện chất lượng nước phục vụ 12.850ha sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2021 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng khẩn cấp Trạm bơm dã chiến Liên Mạc với quy mô 8 tổ máy bơm chìm xiên, công suất 4.000m3/giờ/máy và hệ thống công trình phụ trợ để lấy nước sông Hồng cấp nguồn cho sông Nhuệ…
Liên quan vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, việc đề xuất giải pháp đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ để khắc phục tình trạng khô hạn hệ thống sông Nhuệ của Sở NN& PTNT Hà Nội là cần thiết. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá tính khả thi của phương án đề xuất, làm rõ các nội dung liên quan đến đê điều, quy trình vận hành hệ thống thủy lợi liên tỉnh, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án… Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cần lấy ý kiến thống nhất của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND thành phố phê duyệt chủ trương triển khai dự án…
Theo Hà Nội Mới
Ảnh: Cửa dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ qua cống Liên Mạc trong tình trạng cạn kiệt.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/991350/som-bo-sung-nguon-nuoc-cho-song-nhue