Sóc Trăng ‘khát’ nước sạch

Khác với tình trạng được sử dụng nhiều nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt như tại Hậu Giang và Cần Thơ, nhiều địa phương tại Sóc Trăng lại rơi vào tình trạng ‘khát’ nước sạch, chỉ vì ‘cung’ chưa đáp ứng đủ ‘cầu’.

Nước chảy nhỏ giọt

Ông Nguyễn Minh Thiện (ấp Mỹ Thạnh, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, nguồn nước ở đây cung cấp không đáp ứng hết được nhu cầu sử dụng của người dân. Vào giờ cao điểm, nước chảy nhỏ giọt, thậm chí cúp hẳn nước, ảnh hướng đến nhu cầu sinh hoạt của người dân.

“Hằng ngày gia đình tôi phải tranh thủ tắm giặt từ sớm, hoặc trữ nước vào thùng để đó phòng cúp nước có nước mà dùng. Giờ mà có nguồn nước sạch đủ để sử dụng là tụi tui khỏe”, ông Thiện bày tỏ.

Ông Võ Văn Kía, Bí thư ấp Mỹ Thạnh cũng thừa nhận vấn đề sử dụng nước sạch của người dân được quan tâm và ngày càng được cải thiện nhưng nhu cầu hiện vẫn còn khá cao.

“Hơn 50% người dân đã có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, nhu cầu hiện vẫn còn rất cao, vào những giờ cao điểm không đáp ứng đủ nước sinh hoạt. Đặc biệt, vào mùa khô, xảy ra tình trạng hạn, mặn xâm nhập khiến cuộc sống người dân trở nên vất vả hơn vì thiếu nước sinh hoạt”, ông Kía nói.

Để giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2018, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu xây dựng Đề án cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng và Đề án hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước và nước sinh hoạt cho hộ nghèo trên địa bàn nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai, đến nay, mạng cấp nước ngày càng mở rộng phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân ở các xã Long Bình, Ba Trinh, Đại Hải, Trinh Phú, Mỹ Tú.

Riêng khu vực ấp Mỹ Thạnh, hiện có 320 hộ dân chưa có nước sạch sử dụng sinh hoạt. Để cấp nước cho khu vực này cần đầu tư mở rộng tuyến ống 5.000 m, kinh phí dự kiến khoảng 800 triệu đồng.

Việc cung cấp nước sạch gặp khó

Tuy nhiên, theo Trung tâm này, việc triển khai cung cấp nước sạch vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn do thiếu vốn. Chưa kể, tỷ lệ người dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh khá cao, nhiều nơi dân cư sống không tập trung. Đặc biệt, một số công trình cấp nước của Trung tâm đang hoạt động quá tải, do việc mở rộng kéo dài tuyến ống cấp nước và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng của người dân.

Cũng theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tính đến nay, Trung tâm đang quản lý 146 công trình cấp nước tập trung, công suất thiết kế từ 168 – 960 m3/ngày đêm; tổng chiều dài tuyến ống cấp nước 2.467 km, số đồng hồ Trung tâm đang quản lý là 103.292 hồ, chất lượng nước cấp đạt theo QCVN 02:2009 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đinh Diệp Anh Tuấn, Chánh văn Phòng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ thì nhìn chung hiện nay, một số nhà máy cấp nước đô thị còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, công nghệ xử lý còn lạc hậu. Trong khi đó, công suất khai thác chỉ đạt khoảng 70% so với công suất thiết kế. Mặc khác, hệ thống cấp nước được xây dựng qua nhiều thời kỳ, nhiều đường ống đã xuống cấp, hư hỏng, chắp vá, tỷ lệ thất thoát cao.

Nghiên cứu mới đây từ Hội Cấp thoát nước Việt Nam về vấn đề nước sạch cho người dân miền Tây, thì các nhà máy nước cấp cho các đô thị toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay khoảng 985.017 m3/ngày đêm. Nguồn nước mặt chủ yếu từ sông Tiền và sông Hậu, tổng công suất khai thác khoảng 650.000m3/ngày (tương ứng khoảng 66%) và nguồn nước ngầm được khai thác với tổng công suất khoảng 335.000 m3/ngày đêm (tương ứng khoảng 34%). Các tỉnh chủ yếu khai thác nguồn nước ngầm có Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Long An.

Riêng khu vực nông thôn chủ yếu sử dụng nguồn nước riêng lẻ hộ gia đình. Hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 4.200 nhà máy nước tập trung với quy mô công suất từ vài chục m3/ngày đêm đến 500 – 100 m3/ngày đêm…

Do chế độ xâm nhập mặn, hệ thống cấp nước đô thị các tỉnh ven biển khai thác chủ yếu từ nguồn nước mặt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy ở một số địa phương như Sóc Trăng, Hậu giang, Kiên Giang… phải cung cấp nước lợ hoặc phải ngừng hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

P.V – Báo Đầu Tư

Theo Đầu Tư

Ảnh: Ông Nguyễn Minh Thiện (ấp Mỹ Thạnh, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodautu.vn/soc-trang-khat-nuoc-sach-d100197.html