Sóc Trăng: Cần minh bạch trong việc đền bù khi thực hiện dự án điện gió!

(Phapluatmoitruong.vn)Mấy tháng qua, nhiều hộ dân tại thị xã Vĩnh Châu bức xúc khi công trình điện gió số 2 Sóc Trăng – 30MW(ĐGS2) đi ngang qua đất của mình. Họ cho rằng chủ đầu tư đã “lừa dối” người dân trong việc triển khai, bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện dự án…

Chưa đền bù đã xây dựng?

Nhiều hộ dân cho biết, trong lúc họ chưa nhận được quyết định thu hồi đất, mức giá bồi thường… thì chủ đầu tư dự án đã cho xây dựng các trụ điện trên phần đất nuôi trồng thủy sản của người dân, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, đời sống.

Bà Dương Hùi Xinh, ngụ khóm Biển Trên, phường Vĩnh Phước (TX. Vĩnh Châu) cho biết, đầu năm nay, khi nghe thông tin dự án đi ngang khu đất đang nuôi tôm của mình bà đã rất lo lắng. Gia đình bà chưa hề nhận được quyết định thu hồi đất nhưng từ ngày 10/01/2022 họ (dự án) đã đến xây trụ móng VT4 – Đường dây 110KV của dự án ĐGS2 đi ngang qua khu đất. Bà Xinh bức xúc: “Chính quyền địa phương cho biết chỉ thuê đất 10 năm sau đó sẽ trả lại, tuy nhiên, sau khi xây dựng trụ điện họ mới mời gia đình lên làm việc và thông báo sẽ thu hồi đất. Tôi kiên quyết không giao đất vì chính quyền địa phượng “lật lọng”, ban đầu chỉ nói thuê nhưng xây dựng trụ điện xong họ mới thông báo thu hồi”.

Theo ghi nhận của PV, phần đất của gia đình bà Xinh thuộc đất nuôi trồng thủy sản, sau khi chủ đầu tư xây dựng trụ điện giữa ao nuôi tôm, diện tích còn lại không thể thả nuôi. Sự việc kéo dài đến ngày 10/11/2022, bà Xinh được ngành chức năng và đơn vị thi công mời lên UBND phường Vĩnh Phước để họp thông qua phương án đền bù đất, nhưng bà Xinh không đồng tình với cách làm trên. Bà cho rằng chính quyền và nhà đầu tư không làm đúng trình tự của pháp luật về việc thu hồi đất giao cho doanh nghiệp làm dự án.

 

Bà Dương Hùi Xinh bức xúc trước cách làm việc của Công ty điện gió và chính quyền địa phương.

Mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ tôm chết!

Không chỉ là câu chuyện về cách thức thu hồi đất thuộc dự án, xây dựng khi chưa đền bù, nhiều hộ dân khóm Biển Trên, phường Vĩnh Phước cũng “than trời” về quy trình đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên, đặc biệt là trong việc nuôi trồng thủy sản. Theo đơn gửi cho báo chí, ông Lý Chí Linh, sinh năm 1972 trình bày, gia đình ông có diện tích 03 ha đã xuống giống 50 ngày và đang phát triển bình thường thì đường dây điện gió số 2 kéo ngang qua mà không được sự chấp thuận của gia đình ông. “Khi tôi không đồng ý thì công an phường và công an thị xã Vĩnh Châu xuống cưỡng chế thi công làm dây điện rớt xuống ao nuôi, nguồn nước bị ô nhiễm, tôm bị chết cả hai ao.” Ông Linh cho biết thêm. Gia đình ông yêu cầu Công ty điện gió đền bù thiệt hại 57 triệu đồng thì họ yêu cầu làm đơn gửi lên phường vĩnh Phước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được đền bù.

Hộ bà Lâm Thị Ói sinh năm 1963, cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Gia đình bà có diện tích 3.500 m2 nuôi tôm bị chết khi công trình thi công đi ngang. Bà yêu cầu đền bù tiền chi phí nuôi 52 triệu đồng nhưng phía điện gió chỉ đền bù 10 triệu đồng. Già đình bà Ói không thống nhất giá đền bù trên và đến nay vẫn là sự im lặng (!)

Ghi nhận thực tế của PV, hàng loạt các trụ điện của công ty điện gió đều đang đi qua đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Mặt khác, không chỉ một vài nhà dân còn nằm dưới đường dây này mà trụ điện T3 còn dựng trên toàn bộ kênh 700, không đảm bảo an toàn cho cuộc sống của cư dân và hành lang đường thủy.

Đơn của ông Lý Chí Linh gửi báo chí.

Chính quyền địa phương nói gì?

PV Môi trường và Đô thị điện tử đã có trao đổi với ông Trần Văn Tảng – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước về những bức xúc của người dân. Ông Tảng cho biết, ngày 10/11/2022 vừa qua, phòng TNMT thị xã đã nhờ UBND phường mời bà Xinh lên trao đổi. “Ban đầu công ty điện gió thỏa thuận mua một diện tích nhất định và sau đó mới làm đề nghị với phòng TNMT làm trình tự quy trình thu hồi đất nhưng ý kiến chị Xinh là chỉ cho thuê chứ không bán đứt. Quy trình đền bù là để họ tự thỏa thuận và đến thời điểm này người dân không có phản ánh. Họ đã đền bù rồi nên họ làm thôi” – ông Tảng khẳng định (!).

Còn việc đền bù thiệt hại cho hộ anh Linh, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết, phía điện gió 2 cũng hỗ trợ mỗi trụ là 5 triệu đồng, còn việc anh Linh nói thiệt hại về tôm thì không có cơ sở nào để nói công ty điện gió làm thiệt hại cho nên họ không đền bù. Vừa qua, UBND phường Vĩnh Phước cũng có văn bản gửi công ty điện gió 2 yêu cầu hỗ trợ con giống cho người dân nhưng phía công ty cho rằng chỉ hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng chứ không có cơ sở hỗ trợ riêng con giống cho từng hộ.

Ông Lý Chí Linh (đứng giữa) cùng các hộ dân bức xúc về việc đền bù hỗ trợ khi bị thiệt hại nuôi trồng thủy sản.

Về dự án này UBND thị xã Vĩnh Châu có thực hiện đúng các trình tự pháp luật về việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ cho gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng hay không… Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Không riêng chỉ dự án điện gió số 2 Sóc Trăng, trước đó, nhiều hộ dân ở khóm Biển Trên cũng bức xúc trước cách triển khai và công tác bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện dự án Nhà máy điện gió số 3 – Sóc Trăng. Họ cho rằng, quy trình thực hiện dự án cần phải minh bạch, đúng và xác đáng để không gây nên tình trạng bức xúc trong dân như hiện nay.

Phan Hải – Huy Diệu

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Điện gió số 2 Sóc Trăng làm nhiều hộ dân khóm Biển Trên, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu điêu đứng.