Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 1/7, Cơ quan Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho biết hình ảnh thu thập từ vệ tinh đã ghi nhận 2.308 vụ hỏa hoạn ở rừng nhiệt đới Amazon trong tháng 6, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức cao nhất theo tháng kể từ năm 2007.
Các tổ chức môi trường tại Brazil lên tiếng cảnh báo số vụ hỏa hoạn tại Amazon có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, đặc biệt là vào tháng 8 và tháng 9, đỉnh điểm của mùa khô tại quốc gia Nam Mỹ này. Để ngăn chặn nguy cơ, Chính phủ Brazil ngày 29/6 đã công bố một sắc lệnh cấm sử dụng lửa cho mục đích nông nghiệp trong vòng 120 ngày trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, quân đội cũng được yêu cầu tiếp tục triển khai nhiệm vụ chống phá rừng và cháy rừng ở khu vực rừng rậm lớn nhất hành tinh này. Đây là lần thứ 3 trong 2 năm qua, quân đội Brazil tham gia các hoạt động chống cháy rừng và khai thác gỗ trái phép ở Amazon.
Áp lực đặt ra đối với Chính phủ Brazil là rất lớn vì nước này chiếm tới 60% diện tích rừng rậm Amazon và phần lớn các vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt rừng lấy đất làm nương và chăn nuôi gia súc. Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) mới đây lên tiếng cảnh báo về mối liên hệ giữa tình trạng cháy rừng và nạn phá rừng Amazon tại Brazil với biến đổi khí hậu. Tổ chức phi chính phủ này nhấn mạnh việc đốt rừng và các thảm thực vật bản địa khác là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.
Báo cáo mới đây từ Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon (IPAM) và Quỹ Khí hậu Woodwell cho thấy diện tích rừng rộng 5.000 km2 ở Amazon, tương đương với 500.000 sân bóng đá và gấp 4 lần diện tích thành phố Sao Paulo, có nguy cơ bị thiêu rụi trong mùa khô năm nay.
Ngọc Tùng (TTXVN)
Theo Tin tức TTXVN
Ảnh: Khói bốc lên từ đám cháy rừng Amazon ở bang Amapa, Brazil. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây: