Theo UBND TP, nhiệm vụ quy hoạch cần tập trung vào các khu vực đã, đang và sẽ đô thị hóa trong tương lai và mở rộng nghiên cứu tác động từ các vùng lân cận có cùng lưu vực sông.
UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo UBND TP, việc điều chỉnh quy hoạch thoát nước là để đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Quy hoạch cũ đã hết hạn
Theo UBND TP, quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 752/2001 (Quy hoạch 752), là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước TP. Tuy nhiên, đến nay Quy hoạch 752 đã hết thời hạn, trong khi điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hiện cũng đang thực hiện song song với Quy hoạch 752.
Theo Quy hoạch 752, phạm vi nghiên cứu chỉ tập trung trong khu vực nội thành hiện hữu với diện tích 650 km2. Phạm vi quy hoạch này chỉ đáp ứng khoảng 32,23% tổng diện tích toàn TP (650/2.095 km2). |
“Nếu phải chờ các quy hoạch chung nêu trên hoàn tất mới thực hiện quy hoạch thoát nước thì một số dự án đã và đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư sẽ không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện” – văn bản của UBND TP nêu.
Đồng thời, UBND TP cũng cho rằng việc chậm trễ quy hoạch thoát nước sẽ dẫn đến nhiều dự án đang được thực hiện có liên quan đến hệ thống thoát nước hoặc đấu nối với hệ thống thoát nước mặt đô thị, thu gom và xử lý nước thải sẽ trở nên không đồng bộ, chồng chéo. Thậm chí triệt tiêu nhau nếu không sớm có một đồ án quy hoạch tổng thể, định hướng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các khu vực của TP.
Mặt khác, thời gian gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, tình trạng ngập úng tại TP.HCM đang ngày càng gia tăng. “TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường thường xuyên nên cần sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ và kịp thời. Do vậy, việc đồng thời lập quy hoạch thoát nước với điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM là rất cấp thiết” – văn bản của UBND TP khẳng định.
Ngoài ra, trong báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mới được liên danh tư vấn báo cáo UBND TP cũng cho biết Quy hoạch 752 có phạm vi nghiên cứu 581,52 km2 được chia ra thành sáu vùng thoát nước mưa (106,41 km2 vùng trung tâm; năm vùng ngoại vi với diện tích khoảng 457,11 km2).
“Tuy nhiên, cho đến nay quy hoạch này mới chỉ dừng tại việc thực hiện một số các dự án thoát nước cho các quận trung tâm (nhưng đã hết hiệu lực từ năm 2020) và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại do không xét đến tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng” – báo cáo nêu.
Quy hoạch mới gồm hai đồ án chuyên ngành
“Nhiệm vụ quy hoạch cần tập trung vào các khu vực đã, đang và sẽ đô thị hóa trong tương lai như các quận 7, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức… và mở rộng nghiên cứu tác động từ các vùng lân cận có cùng lưu vực sông thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An” – UBND TP nêu yêu cầu về quy hoạch lần này.
Cụ thể, đồ án quy hoạch thoát nước TP.HCM mới sẽ gồm hai đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật riêng biệt là quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; quy hoạch thoát nước thải đô thị.
Quy hoạch mới cần phân tích, đánh giá các yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, hiện trạng hạ tầng thoát nước, đánh giá lại hệ thống thoát nước cấp I hiện hữu (kênh, mương) đã đảm bảo khả năng thoát nước mặt chưa, đưa ra các đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn mới. Bên cạnh đó là rà soát, đánh giá các quy hoạch, các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình sụt lún nền đất tại TP.HCM, các tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và biến đổi khí hậu; các dự án đầu tư xây dựng đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn.
“Quy hoạch cao độ nền cần đề xuất các giải pháp san lấp tạo mặt bằng xây dựng, tăng diện tích mặt thấm và tăng khả năng trữ nước trước khi xả ra nguồn thoát. Xác định cao độ nền xây dựng cho các khu vực theo lưu vực thoát nước, đảm bảo kiểm soát ngập úng do mưa, triều cường và đảm bảo tiêu thoát lũ” – UBND TP nêu định hướng quy hoạch.
Độ sụt lún bề mặt tại TP.HCM nhanh hơn tốc độ nước biển dâng Theo báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM gồm nhiều yếu tố. Thứ nhất, gần 50% diện tích TP có địa hình trũng thấp so với mực nước trên sông. Trong khi đó, nhiều khu vực đồi núi có độ dốc cao dễ tạo thành dòng chảy xiết trên bề mặt đường. Dạng địa hình đồng bằng thấp, với cao độ biến đổi từ +0,5 m đến +2,5 m phân bố chủ yếu ở phía tây các quận trung tâm và phía nam TP Thủ Đức. Đây là khu vực có nguy cơ cao thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập do triều cường. Thứ hai, mưa cực đoan, số trận mưa gây ngập diện rộng (với vũ lượng >100 mm) gia tăng nhanh, từ trung bình 1,6 trận/năm giai đoạn 2002-2014 đến 3,6 trận/năm trong những năm gần đây. Thứ ba, TP chứng kiến sự gia tăng số trận mưa gây ngập diện rộng với vũ lượng >100 mm. Giai đoạn 2009-2014, trong năm năm chỉ xuất hiện 12 trận mưa trên 100 mm, bình quân một năm xuất hiện hai lần nhưng các năm tiếp theo, từ năm 2015 đến 2021 đã xuất hiện nhiều hơn, tới 18 trận mưa, bình quân một năm xuất hiện gần 3,6 lần. Ngoài ra, tổng lượng mưa hằng năm cũng có xu hướng tăng liên tục từ năm 1976 đến 2022 với tổng lượng mưa tăng trung bình 500 mm. Tốc độ gia tăng lượng mưa là 22,1 mm/năm. Thứ tư, hệ thống thoát nước đô thị tại TP.HCM được thiết kế chủ yếu cho các trận mưa có vũ lượng 60-80 mm. Chính vì vậy, sự gia tăng của các trận mưa với vũ lượng >100 mm đòi hỏi có các giải pháp hỗ trợ cho hệ thống thoát nước truyền thống. Thứ năm, độ sụt lún bề mặt tại TP.HCM trong giai đoạn 2005-2017 là 23,27 cm và tốc độ lún trung bình là 1,99 cm/năm, nhanh hơn tốc độ nước biển dâng. |
Huy Vũ – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) ngập sâu do triều cường. Ảnh: NHƯ QUỲNH – NHƯ NGỌC
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/sau-hon-20-nam-tphcm-muon-lam-quy-hoach-thoat-nuoc-moi-post760090.html