Sạt lở nghiêm trọng tuyến đê bao ở Sóc Trăng, đe dọa hàng ngàn hộ dân

Đoạn đê bao bị sạt lở có chiều dài khoảng 20m và ăn sâu đất liền khoảng 10m, nguy cơ sạt lở thêm là rất cao nếu không được khắc phục kịp thời.

Tối 29/7, ông Phạm Hải Hoàng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở tuyến đê bao nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu không kịp thời xử lý, khắc phục.

Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 3h sáng cùng ngày, tại ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, thuộc tuyến đê nằm trên sông Cái Côn, từ Ngã Cái vô Ngã Lá khoảng 700m. Đoạn bị sạt lở có chiều dài khoảng 20m và ăn sâu đất liền khoảng 10m, làm 2 căn nhà của chị Lê Phương Diễm (33 tuổi) và ông Lê Ngọc Lâm (67 tuổi) bị nhấn chìm hoàn toàn xuống sông, ước thiệt hại ban đầu trên 300 triệu đồng.

“Hiện tại, xã đã ghi nhận được vị trí sạt lở, đó là đoạn bờ bao kết hợp với giao thông bằng đá cấp phối. Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã báo cáo về Phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách. Đồng thời, đề nghị ngành chức năng sớm khắc phục bờ bao bị sạt lở, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất, nếu chậm trễ, mùa mưa này sẽ bị thiệt hại rất nghiêm trọng”, ông Tâm cho hay.

Cũng theo ông Tâm, nếu đoạn đê bao này tiếp tục bị sạt lở trong thời gian tới thì nguy cơ có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, bị cô lập hoàn toàn. Riêng, đối với hai hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, xã đang chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đồng thời, cử ngành chức năng thống kê thiệt hại, sau đó sẽ có hướng hỗ trợ phù hợp theo quy định. Mặt khác, địa phương cũng tích cực vận động người dân có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp, di dời đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản.

“Tuyến đê bao bị sạt lở còn có nguy cơ làm nước mặn có thể tràn vào, gây ảnh hưởng trực tiếp đến vùng trồng cây ăn trái thuộc địa bàn huyện Kế Sách”, ông Tâm nhận định.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài gần 40.000 mét đê. Đặc biệt, Kế Sách là huyện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở nhất với 12 vị trí thường xuyên bị đe dọa cao vào mùa mưa bão.

Gia Minh – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 20m, ăn sâu vào đất liền khoảng 10m. Ảnh: N.P

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/sat-lo-nghiem-trong-tuyen-de-bao-o-soc-trang-de-doa-hang-ngan-ho-dan-d429050.html