Mùa mưa bão đang đến gần, mực nước lên cao và tàu thuyền lưu thông sát vào bờ cũng là các yếu tố gia tăng việc sạt lở.
Do nhiều năm chưa được sửa chữa, nâng cấp, tuyến đê sông Lô của tỉnh Tuyên Quang có nhiều điểm đang bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn hành lang bảo vệ đê, làm mất diện tích đất soi bãi của người dân. Đặc biệt, tình trạng sạt lở như hiện nay có thể dẫn đến vỡ đê.
Vì chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, chính quyền địa phương đã đặt các biển cảnh báo để người dân biết, phòng tránh, không đi qua khu vực nguy hiểm.
Xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có hơn 9,3km đê dọc theo bờ sông Lô. Hiện nay, mặt đê xuống cấp với nhiều “ổ trâu, ổ voi”, mái đê phía bờ sông có nhiều điểm bị xói lở, tình trạng sạt lở đất soi bãi của người dân gia tăng rất nhanh ở các thôn: Hưng Thành, Lương Thiện, Hưng Thịnh, Hưng Định…
Đáng chú ý, sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra tại thôn Hưng Thịnh với chiều dài sạt lở lên đến 700 mét. Vị trí xung yếu nhất hiện nay đã lở vào 1/2 thân đê, chiều cao vách taluy sạt lở từ 15 – 20 mét, nhiều điểm vết sạt lở cách chân đê chỉ khoảng từ 5 – 7 mét.
Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông thường xuyên xảy ra từ năm 2006 đến nay. Tổng diện tích đất soi bãi của người dân thôn Hưng Thịnh bị mất do sạt lở khoảng 2,6 ha. Trước đây, diện tích này là đất trồng ngô, trồng màu của người dân. Việc sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và kinh tế của nhân dân.
Nếu như tuyến đê xung yếu tại thôn Hưng Thịnh bị vỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 420 hộ dân của ba thôn Hưng Định, Hưng Thịnh, Lương Thiện. Trước thực trạng trên, người dân xã Trường Sinh mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm xem xét để có giải pháp xử lý cấp bách những đoạn bị sạt lở, đảm bảo đời sống cho nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Ông Đỗ Văn Quyết, người dân thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh cho biết: Gia đình có hai thửa đất bãi soi để canh tác với tổng diện tích 1.700m2 (gần 5 sào đất). Thửa ruộng có chiều dài từ bờ đê đến mép sông (thời điểm năm 2011) là 81m, do bị sạt lở đến nay chỉ còn khoảng 12m. Một thửa ruộng có chiều dài 96m giờ chỉ còn 18m. Mất đất sản xuất, mất đi thu nhập, gia đình tôi rất lo lắng. Nếu như đê tiếp tục bị lở, mất đê, tài sản, tính mạng của người dân sẽ gặp nguy hiểm.
Ông Nguyễn Đức Sáu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông, hành lang bảo vệ đê trên địa bàn thôn Hưng Thịnh những năm gần đây diễn biến rất phức tạp. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp, các ngành nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Mùa mưa bão đang đến gần, mực nước lên cao và tàu thuyền lưu thông sát vào bờ cũng là các yếu tố gia tăng việc sạt lở. Người dân tha thiết mong các cấp, các ngành sớm khắc phục tình trạng sạt lở để người dân yên tâm canh tác.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có hơn 43km đê và 52 cống tiêu dưới đê thuộc địa phận thành phố Tuyên Quang và huyện Sơn Dương. Hệ thống đê trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ lâu (công trình được sửa chữa lớn gần nhất đã trên 20 năm).
Tình trạng sạt lở bờ sông, hành lang bảo vệ đê không chỉ xảy ra ở xã Trường Sinh mà còn xảy ra ở nhiều đoạn đê qua địa bàn các xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Đông Thọ, Quyết Thắng, Vân Sơn, Hồng Lạc của huyện Sơn Dương.
Những điểm sạt lở nặng nhất là: đoạn đê thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến có chiều dài sạt lở 750m; tuyến đê thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ bị sạt lở với chiều cao vách taluy sạt từ 10 đến 12m, chiều dài 900m trong đó có hai vị trí sạt lở nguy hiểm đe dọa an toàn tuyến đê; tuyến đê thuộc thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn đã bị sạt lở mái taluy phía sông, chiều dài sạt lở khoảng 13m, chiều cao từ mép nước đến mặt đường cao khoảng 15m…
Nhằm đảm bảo tài sản và tính mạng của người dân, từ năm 2018, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản báo cáo và đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng xe trên các tuyến đê; tăng cường chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ hệ thống đê; tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng xây dựng công trình, vật kiến trúc, trồng cây cối hoa màu… trong hành lang bảo vệ đê điều theo đúng quy định hiện hành.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, để đảm bảo an toàn cho tuyến đê, đảm bảo sản xuất, an toàn khu dân cư và công trình đoạn đê thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh cho chủ trương xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở với quy mô dài khoảng 400m, tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện mới bố trí được 1 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh.
Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, trình UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về, phòng chống thiên tai và các bộ, ngành xem xét, hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp một số vị trí sạt lở nghiêm trọng thuộc tuyến đê tả sông Lô từ xã Vĩnh Lợi đến xã Trường Sinh với kinh phí dự kiến là 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ tuyến đê rất cần được hỗ trợ nguồn từ Trung ương với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ mất an toàn đê sông Lô ở Tuyên Quang vẫn đang hiện hữu. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương vào cuộc để gia cố khẩn cấp những đoạn đê bị sạt lở nghiêm trọng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo Bnews
Ảnh: Sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh, với chiều dài khoảng 700m. Ảnh: Quang Cường – TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/sat-lo-nghiem-trong-tren-tuyen-de-song-lo-qua-tinh-tuyen-quang/170001.html