Sạt lở bờ biển ngày càng nhanh

Tình trạng sạt lở bờ biển ở các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nhanh, bất thường, đe dọa nghiêm trọng đến các khu dân cư ven biển

Phía Tây biển bồi – phía Đông biển lở, cái quy luật tồn tại ngàn đời ở vùng biển Cà Mau dường như chẳng thay đổi. Chỉ có điều là hiện tượng bồi – lở bây giờ không còn diễn ra bình thường theo quy luật tự nhiên nữa mà nó diễn biến bất thường.

Phá hủy nhà cửa, hạ tầng giao thông

Chiều muộn ở vàm Kênh Năm, nơi cửa biển phía Đông thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, một cậu bé đang nhóm bếp nấu cơm chờ mẹ đi biển về. Nhà em nay chỉ còn là một túp lều tạm bợ. Mùa mưa năm 2019, căn nhà của gia đình em bị kéo xuống dòng nước chảy xiết.

Khoảng 10 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (41 tuổi) dựng căn nhà khang trang ở cửa biển này. Mùa mưa bão bất thường năm trước kéo theo triều cường và sạt lở phá tan tành. Chị được hỗ trợ cất lại căn nhà lá tạm, một mình nuôi 3 con nhỏ với một bé bị khuyết tật nặng.

Khu vực vàm Kênh Năm còn khoảng 10 hộ dân bám trụ sinh sống. Họ là những ngư dân nghèo khó, hằng ngày phải lặn ngụp ngoài bãi cạn để mưu sinh. Mặc dù chính quyền địa phương vận động các hộ này di dời vào nơi an toàn nhưng họ chưa thể đi được vì không có tiền mua nhà tái định cư.

Qua từng mùa mưa bão, những căn chòi này phải chạy theo con nước triều cường bám đuổi. Nước dâng đến đâu là mọi người lại tiếp tục chạy vào phần đất phía trong dựng lại chòi khác.

Tốc độ sạt lở tại vùng bờ biển phía Đông đang diễn ra rất nhanh. Dọc theo bờ biển phía Đông từ cửa biển Gành Hào (giáp với tỉnh Bạc Liêu) kéo dài qua các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển đến mũi Cà Mau liên tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn, nhất là tại Hố Gùi, Vàm Xoáy, Kênh Năm, Rạch Gốc… Đặc biệt là cửa Kênh Năm, nếu không được đầu tư nhằm thực hiện giải pháp kè bảo vệ bờ biển thì chỉ trong thời gian ngắn, sạt lở sẽ gây áp lực lên cả tuyến đường Hồ Chí Minh.

Còn tại cửa Vàm Xoáy (xã Đất Mũi), sạt lở đã phá hủy nhà cửa, hạ tầng giao thông khá nghiêm trọng. Khu dân cư cứ lùi dần vào trong, cuộc sống người dân càng thêm khó khăn, vất vả. Mỗi năm nơi này bị sạt lở từ bờ vào hàng chục mét. Cách đây hơn 1 năm, hàng chục căn nhà của ngư dân Vàm Xoáy bị lún nặng. Vì lo cho tính mạng, nhiều cư dân địa phương phải bỏ nhà, bỏ xứ đi làm thuê làm mướn khắp nơi.

“Sạt lở ven biển, ven sông giờ không còn theo quy luật, theo mùa mà diễn ra quanh năm. Chúng tôi luôn trong tâm thế chủ động ứng phó nhưng do nguồn lực hạn chế nên chưa thể ngăn chặn được, cuộc sống dân cư và sản xuất bị ảnh hưởng” – ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, lo lắng.

Nhà dân và một đoạn đê biển ở xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở gây ra Ảnh: THỐT NỐT

Khẩn cấp di dời dân

Các địa phương vùng ven biển tỉnh Kiên Giang cũng đang gặp vô vàn khó khăn trước tình hình sạt lở bờ biển diễn ra với tốc độ nhanh, bất thường.

Ông Tô Quang Hinh (ngụ ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương) cho biết gia đình ông lúc nào cũng sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ vì sạt lở đã tiến sát căn nhà. “Vì sạt lở ngày càng mạnh nên nhiều hộ dân đã mất nhà hoặc do lo sợ nên tự di dời đi nơi khác sinh sống. Những người còn bám trụ lại đây như chúng tôi cũng chỉ vì nghèo khó, không biết đi đâu, lấy tiền đâu mua nhà mới” – ông Hinh than vãn.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang mới chỉ hỗ trợ cho xã Sơn Hải xây 100 m bờ kè để bảo vệ khu hành chính xã. Còn ở khu vực 2 đầu bờ kè này, hàng chục hộ dân sống trong lo lắng vì nhà cửa có thể bị sóng biển đánh sập bất cứ lúc nào, nhất là trước mùa mưa bão diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, toàn huyện Kiên Lương có khoảng 4,6 km bờ biển được xác định là có mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Các điểm sạt lở trong phạm vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà dân, đường giao thông cùng các di tích, danh lam thắng cảnh.

Tại huyện Hòn Đất, hiện cũng có nhiều đoạn bờ biển đã bị nước ngoạm, ăn sát vô chân đê. Tổng chiều dài đê biển bị sạt lở tại huyện này hơn 25 km, đe dọa cuộc sống của người dân.

Trước tình hình sạt lở diễn biến bất thường, UBND tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo đề xuất về việc hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và di dời dân khẩn cấp tại những khu vực sạt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương rà soát, tổng hợp các dự án di dời khẩn cấp do ảnh hưởng thiên tai và bố trí dân cư vùng biên giới trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục phó phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, thông tin thêm toàn tỉnh có chiều dài bờ biển bị sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đã lên đến hơn 72 km. Do đó, tỉnh Kiên Giang cần gần 1.850 tỉ đồng để khắc phục hiện tượng này.

Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng trong nhiều năm qua

Hơn 1.100 tỉ đồng bảo vệ biển Cửa Đại

Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị này đang lập dự án đầu tư xây dựng công trình chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Theo ông Điềm, tháng 8-2019, dự án trên được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư 42 triệu euro (tương đương 1.128,66 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của Cơ quan Phát triển Pháp 35 triệu euro, vốn viện trợ không hoàn lại 2 triệu euro, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Quảng Nam 5 triệu euro. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2024. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng giải pháp công trình tổng thể chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An; bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản và tính mạng người dân cũng như các cơ sở hạ tầng về du lịch, nghỉ dưỡng cho toàn bộ hơn 3,2 km2 diện tích đất, hơn 1.300 hộ dân phường Cửa Đại và khu vực ven biển lân cận.

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, bờ biển Cửa Đại bị sạt lở hết sức nghiêm trọng. Đã có rất nhiều diện tích bờ biển, công trình kiên cố bị nước biển nhấn chìm. Trong năm 2018, Quốc hội đã thông qua khoản ngân sách 340 tỉ đồng để giúp Quảng Nam khắc phục sạt lở bờ biển Cửa Đại. Trong thời gian qua, chính quyền các cấp của tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp gia cố bờ biển khẩn cấp. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa cao, trong khi tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tin-ảnh: T.Thường

Duy Nhân – Thốt Nốt – Minh Sơn – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Một xóm nhà bên bờ biển phía Đông Cà Mau trước nguy cơ bị xóa sổ Ảnh: DUY NHÂN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/sat-lo-bo-bien-ngay-cang-nhanh-20200221214417705.htm