Từ 0 giờ ngày 23/8 đến ngày 6/9, TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đối phó mức độ lây lan của dịch Covid-19 hiện nay. Cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố đang nỗ lực cùng sự hỗ trợ của các lực lượng từ Trung ương, sẵn sàng cho đợt quyết chiến với giặc Covid-19 lần này.
TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường về lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm chăm lo người dân và tăng cường siết chặt giãn cách xã hội, thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất F0 ngăn chặn lây lan.
Siết chặt giãn cách xã hội
Thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội: Nhà cách ly nhà; tổ dân phố, tổ nhân dân cách ly tổ dân phố, tổ nhân dân; khu phố, ấp cách ly khu phố, ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn.
Trong ngày 22/8, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Nội vụ, Công an, Bộ đội Biên phòng thành phố tham mưu kế hoạch thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ).
Thành phố triển khai Công văn số 2796 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Áp dụng các phương thức làm việc theo hướng cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà; riêng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng “ba tại chỗ”, hoặc theo phân công luân phiên.
Để hỗ trợ công tác chống dịch trên địa bàn được nhanh chóng, gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã lên đường về các địa phương trên địa bàn thành phố sẵn sàng ra tuyến đầu hỗ trợ chống dịch Covid-19. Đây là những cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu, có kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch. Trước giờ lên đường, Thượng tá Lê Xuân Bình, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 khẳng định: “Hỗ trợ nhân dân TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu thật sự của đơn vị trong thời bình, là niềm vinh dự to lớn đối với sư đoàn và là nghĩa cử, trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân; là mệnh lệnh trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ”. Các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 ra quân đợt này hỗ trợ các quận: 6, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè,… phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho biết, 106 cán bộ, chiến sĩ đã có mặt tại quận để kiểm tra, kiểm soát tại các chốt, vận chuyển hàng hóa lương thực, đi chợ giúp dân,… Quận 5 cũng tiếp nhận năm nhóm quân y để phục vụ, hỗ trợ các trạm quân y cơ động.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức ra quyết định tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với vùng cam và vùng đỏ. Những ngày tới, thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Các đội xét nghiệm của quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ lấy mẫu tại các địa bàn phường, xã, thị trấn. Đợt xét nghiệm tầm soát này sẽ tăng cường làm xét nghiệm nhanh, điểm mới là hướng dẫn cho người dân tự làm. Những trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính nếu đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu cần nhập viện thì phải làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, ngay khi có kết quả xét nghiệm, trung tâm y tế quận, huyện phải thông báo kết quả ngay cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn danh sách F0 để phân công các trạm y tế lập danh sách F0 cần được quản lý và chăm sóc sức khỏe. Khi có danh sách F0, trạm y tế cùng tổ Covid cộng đồng bổ sung địa chỉ nhà và số điện thoại của từng trường hợp F0. Sau đó, nhân viên y tế đến nhà F0 để thăm khám và cung cấp thuốc điều trị, cho F0 uống ngay liều thuốc kháng SARS-CoV-2 và uống liều thuốc kháng đông, kháng viêm nếu có chỉ định (F0 có cảm giác khó thở hoặc SPO2 dưới 95%); đồng thời sàng lọc xem có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không, nếu không đủ thì cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly của phường, xã hoặc quận, huyện.
Trong thời gian tăng cường các biện pháp chống dịch Covid-19, thành phố sẽ triển khai các trạm y tế lưu động để tăng cường công tác khám, chữa bệnh chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại nhà. Theo đồng chí Tăng Chí Thượng, tùy theo số F0 quản lý tại mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức, dự kiến mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 ca F0. Theo kế hoạch, thành phố sẽ có khoảng 400 trạm y tế lưu động được thành lập và đi vào hoạt động trước ngày 24/8 (giai đoạn 1) và trước ngày 27/8 (giai đoạn 2).
Thành phố cũng tập trung công tác cấp cứu người dân trong thời gian giãn cách. Tổ phản ứng nhanh có nhiệm vụ cho người bệnh thở oxy tại nhà, sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm dạng uống trong khi chờ chuyển đến cơ sở điều trị. Thành phố phấn đấu đến ngày 15/9, ít nhất 70% người dân hơn 18 tuổi tiêm mũi 1; 15% tiêm mũi 2.
Lễ xuất quân tại Sư đoàn 5 (Quân khu 7) giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh TTXVN
Bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, thành phố dự kiến cung cấp bình quân gần 11 nghìn tấn lương thực, thực phẩm mỗi ngày, tương đương hơn 164 nghìn tấn cho 15 ngày tăng cường biện pháp giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”. Trong đó, mỗi ngày cung ứng gần hai nghìn tấn gạo, 660 tấn lương thực chế biến khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm, 236 tấn thực phẩm chế biến, 2,1 triệu quả trứng, 4.246 tấn rau – củ – quả, 236 tấn đường, 1,7 triệu lít sữa… Mỗi ngày, người dân cần khoảng 19 triệu lít nước uống, gần 629 nghìn chiếc khẩu trang, gần 240 nghìn chai nước sát khuẩn (loại nửa lít/chai)…
Để bảo đảm được khối lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nêu trên, các chuỗi cung ứng phải được vận hành ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm; hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng, chợ); các doanh nghiệp thương mại, logistics vẫn tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức sản xuất, thu mua, vận chuyển hàng hóa về thành phố và tăng cường khả năng dự trữ nhằm phân phối cho người dân. Thành phố tiếp tục phối hợp các tỉnh, thành phố khác tổ chức phân luồng xanh, triển khai các phương án giao thông linh hoạt (giao thông đường bộ, đường thủy…), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tổ chức cung ứng hàng hóa từ các địa phương khác vào thành phố…
Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất một lần/tuần và phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí, bảo đảm nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn. Trong quá trình làm việc giữa các địa phương với các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn, nếu có thiếu hụt nguồn cung, Sở Công thương thành phố sẽ hỗ trợ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe bán hàng lưu động, “Siêu thị mini di động”.
Chiều 22/8, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh Võ Thị Phương Uyên cho biết, MTTQ quận đã chuẩn bị xong tất cả kế hoạch để “lưới an sinh” được phủ đều, phủ rộng. Ngoài các gói an sinh xã hội theo kế hoạch của Chính phủ, thành phố, từ ngày 23/8, mỗi ngày MTTQ quận sẽ nhận khoảng 4.000 phần quà từ nguồn lực xã hội hóa để gửi đến người dân nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức cũng đã ra mắt 68 điểm an sinh xã hội khẩn cấp trên 34 phường. Các điểm hoạt động 24 giờ/ngày, bảy ngày trong tuần. Thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí, hàng hóa, lương thực thực phẩm thông qua các nguồn lực xã hội hóa. Hiện, TP Thủ Đức đã chuẩn bị xong hơn 70.000 phần quà để phân bổ về các điểm an sinh xã hội nhằm kịp thời hỗ trợ khẩn cấp cho người dân…
Chiều 22/8, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định chi hơn 2.576 tỷ đồng để hỗ trợ hơn một triệu hộ lao động nghèo và gần 670 nghìn lượt người lao động tự do để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, trưởng ban điều hành khu phố, ấp, tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân khẩn trương rà soát kỹ, bổ sung hộ lao động nghèo và lao động tự do đang gặp khó khăn do thời gian giãn cách xã hội kéo dài để kịp thời chi hỗ trợ. Việc chi hỗ trợ đợt bổ sung này không phân biệt hộ thường trú hay tạm trú, số nhân khẩu trong hộ, thành phần nghề nghiệp ở khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa…; bảo đảm không trùng lắp, không bỏ sót đối tượng, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ.
Nhóm phóng viên CQTT tại TP Hồ Chí Minh
Theo Báo Nhân Dân
Ảnh: Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MẠNH HẢO
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/san-sang-nhung-ngay-tang-cuong-chong-dich-661116/