Rừng – ‘Vệ sĩ’ của loài người

Thế giới đang dần mất đi 10 triệu ha rừng mỗi năm (tương đương với diện tích của Ai-xơ-len) – thiệt hại này bằng 12%-20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Theo tính toán của các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và có khả năng bảo vệ phạm vi đất đai gấp hơn 2 lần chiều cao của cây. Ở những nơi có gió cát và hạn hán nghiêm trọng, việc trồng những hàng cây phi lao ngăn gió cát rất có tác dụng cải thiện môi trường sinh thái đất đai.

Rừng là chiếc ô bảo vệ mặt đất. Khi trơì mưa, do tán lá cây hứng đỡ nên nước mưa không trực tiếp xối xuống mặt đất, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc phòng chống xói mòn. Thực tế cho thấy, nếu nước mưa trực tiếp xối vào mặt đất thì mỗi năm một hecta đất trồng hoa bị xói mòn 20 tấn, đất trồng cỏ bị xói mòn 1 tấn, trong khi đó đất trồng rừng chỉ bị xói mòn 0,1 tấn. Mặt đất trong rừng có nhiều cành và lá cây khô, nước mưa rơi xuống mặt đất không thể xối thằng vào đất, cũng không thể chảy nhanh mà ngầm chảy từ từ. Đó là vật cản quan trọng khiến mưa to không gây ra lũ lụt và rất có ích đối với việc bảo vệ đồng ruộng, nhà cửa.

Cây cối cũng là những “anh hùng” hút bụi, chống ô nhiễm. Lá của một số loại cây có những nếp nhăn, có lông nhám, thậm chí có loại lá còn tiết ra chất “nhựa” diệt vi khuẩn. Vì vậy cây cối vừa có khả năng hút bụi vừa có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Ngay như cây thông, tuy có diện tích bề mặt lá rất nhỏ, nhưng khả năng hút bụi và diệt vi khuẩn lại rất lớn. Ta có thể nhận biết khả năng hút bụi diệt khuẩn của cây cối qua việc giám định không khí trong công viên và trong cửa hàng bách hoá hoặc bến tàu xe. Mỗi mét khối không khí trong công viên chỉ có 2.000-3.000 vi khuẩn, nhưng một mét khối không khí trong cửa hàng, bến tàu xe có tới 20.000-30.000 con.

Hiện nay, trên thế giới lượng khí cacbonic thải ra ngày một tăng. Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này là trồng nhiều cây xanh, vì cây xanh có khả năng hấp thụ khí cacbonic. Trung bình 1 hecta cây tán lá rộng có thể hấp thụ được 1 tấn khí cacbonic/ngày và nhả ra 730kg khí oxy. Lượng khí cacbonic do 1 người thải ra trong 1 ngày sẽ được 10m2 cây xanh hút hết. Ngoài ra cây xanh còn hấp thụ tiếng ồn, hấp thụ một số chất ô nhiễm trong không khí và một số nguyên tố kim loại nặng trong đất. Việc gì có lợi cho con người là cây xanh đều cố sức phụng sự rất tận tụy, xứng đáng là vệ sĩ trung thành của loài người.

Cây xanh có khả năng rất lớn trong việc chống gió, giữ nước, chống ô nhiễm, nhưng khả năng tự bảo vệ của chúng lại có hạn. Chúng cần sự che chở bảo vệ của con người. Cây xanh cống hiến cho con người quá nhiều, chúng ta cần yêu mến và trân trọng bảo vệ chúng.

Rừng là nơi sinh sống của khoảng 80% đa dạng sinh học trên cạn của thế giới, với hơn 60.000 loài cây. Quan trọng nhất, rừng đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do tích tụ CO2 là yếu tố gây ra sự nóng lên toàn cầu. Có khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc trực tiếp vào rừng để kiếm nguồn thức ăn, nơi ở, năng lượng, thuốc men và thu nhập. Thế giới đang dần mất đi 10 triệu ha rừng mỗi năm (tương đương với diện tích của Ai-xơ-len) – thiệt hại này bằng 12%-20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Ngày nay, hơn 1 triệu trong số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Có gần 2 tỷ ha diện tích đất bị suy thoái – tương đương với một khu vực lớn hơn cả Nam Mỹ.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), rừng có 5 vai trò chính gồm nuôi dưỡng đất, lưu trữ các-bon, cung cấp thực phẩm lành mạnh cho hàng triệu người, điều tiết nước và là nhà của khoảng 80% các giống loài sống trên cạn. Quản lý rừng bền vững kết hợp sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên từ rừng là cách tốt nhất chống lại sự biến đổi khí hậu và đóng góp vào sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Tham khảo: 
– 200 câu hỏi đáp về môi trường
– Tổng cục Thống kê

Lâm Hà

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Rừng là chiếc ô bảo vệ mặt đất