Rừng Tây Nguyên đang mất dần

(Phapluatmoitruong.vn) – Theo kết quả công bố hiện trạng năm 2019, 5 tỉnh Tây Nguyên có tổng hơn 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích có rừng là hơn 2,5 triệu ha.

Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là gần 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%. Tuy nhiên, mỗi năm, rừng Tây Nguyên đều phải đối mặt với rất nhiều các vụ vi phạm lâm nghiệp. Đáng chú ý, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên năm 2019 giảm đến gần 16.000 ha so với năm 2018. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rừng giảm nhiều nhất, khoảng hơn 11.000 ha.

Trong Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030 cũng nêu rõ: Xử lý dứt điểm đối với 282.896 ha rừng và đất lâm nghiệp đang có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; không để phát sinh tranh chấp, xâm lấn rừng.

Điều này cho thấy, thực trạng mất rừng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có trách nhiệm quản lý của đơn vị chủ rừng. Chỉ tính riêng tại tỉnh Gia Lai, qua thanh tra tại 21 ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn, đã có 8 hồ sơ chuyển sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh.

Dưới đây là những hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị điện tử ghi nhận được từ 2018 đến nay:

Ngoài sự phá rừng “chính quy”, còn có sự phá rừng nhỏ lẻ và khai thác gỗ trái phép của nhiều cá nhân, tổ chức.

Các dự án sản xuất nông nghiệp, thủy điện, hồ thủy lợi đã lấy đi của Tây Nguyên hàng ngàn ha rừng trong nhiều năm qua.

Chỉ tính riêng các vụ vi phạm lâm luật đã có hàng trăm ha rừng bị tàn phá mỗi năm.

Công tác quản lý bảo vệ rừng cũng còn nhiều bất cập, bằng hình thức này hay hình thức khác, các cán bộ đang coi rừng như mảnh đất màu mỡ để phát triển kinh tế cá nhân.

Dự án chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất đã phá đi của Kon Plong hàng trăm ha rừng, nhưng cuộc sống của người dân vẫn chưa có sự thay đổi vượt bậc.

Lối canh tác thuận theo tự nhiên cũng đang là một phần nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Rừng Kon Plong những năm 2018, rừng ngã xuống cho những dự án phát triển kinh tế.

Rừng Tây Nguyên đang một ngày thưa dần. 

Thói quen dùng gỗ của người dân cũng góp phần kích cầu cho nạn phá rừng lấy gỗ, làm giảm diện tích rừng đáng kể.

Một người dân xót rừng đã bỏ công mỗi ngày ghi lại hàng chục chuyến xe độ chế chở lâm sản về qua nhà.

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Dưới mọi hình thức, rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá hàng ngày.