Rau La Hường và nỗi lo nguồn nước

Người dân từ bao đời nay đã đúc kết kinh nghiệm khi sản xuất canh tác nông nghiệp: ‘Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’. Thế nhưng ở vùng rau chuyên canh La Hường (P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), do biến đổi khí hậu, 2 năm qua nguồn nước tưới bị nhiễm mặn nghiêm trọng, đất đai bỏ hoang hóa, sản lượng rau tụt giảm, đời sống bà con trồng rau đang rất bấp bênh.

Mới 9 giờ sáng nắng đã như lửa thiêu đốt trên cánh đồng rau. Lão nông Phan Ngọc Phu vẫn miệt mài rẫy cỏ trên vạt đất để chuẩn bị cho vụ rau mới. Gạt những dòng mồ hôi đang túa ra trên mặt, ướt đầm lưng áo, ông Phu chỉ giàn mướp, bí đã khô héo lo âu: “Không biết vụ rau tới này ra sao, chứ từ Tết tới giờ coi như mất trắng. Đấy các anh coi, giàn mướp đang lên, bơm thứ nước nhiễm mặn lên tưới, trong một đêm chết khô hết cả”.

Gia đình ông Phu có 10 sào đất trồng rau, đều là đất thuê lại của người khác. Mọi năm mưa nắng thuận hòa, thu nhập từ nghề trồng rau đủ nuôi sống cả gia đình, lại còn dư để dành. Nhưng từ năm 2019 đến nay, nguồn nước nhiễm mặn từ sông Cẩm Lệ, không trồng cấy được lứa rau nào cho ra hồn cả. Cả vùng trồng rau năm nay hầu hết đều rơi vào hoàn cảnh như vậy. Chỉ được vài ba hộ, khi khoan giếng gặp nguồn nước đỡ nhiễm mặn, còn trồng được ít rau có thu nhập đủ sinh hoạt, nhưng cũng không có dư.

Ông Trần Văn Hoàng – Chủ nhiệm HTX rau La Hường cho biết, từ nhiều năm nay, thành phố đã quy hoạch vùng rau La Hường là vùng rau chuyên canh của thành phố. Hiện nay tổng diện tích toàn vùng rau là hơn 75 ha, với hơn 30 hộ dân địa phương tham gia trồng rau. Trước diễn biến thời tiết thay đổi bất thường từ giữa năm 2019 đến nay, nguồn nước tưới cho vùng rau bị nhiễm mặn nặng. Thời gian qua, hơn một nửa diện tích đất phải bỏ hoang. HTX đã vận động bà con nông dân chuyển đổi sang canh tác một số loại rau chịu hạn như rau dền, rau ngót… để cầm cự, mặc dù thu nhập từ các loại rau này không cao.

Đầu năm 2020 này, UBND Q. Cẩm Lệ cũng đã đầu tư đóng cho vùng rau 50 giếng nước tưới, nhưng theo bà con cho biết, hầu hết giếng đóng này đều nhiễm mặn. Không thể trồng rau, một số hộ đã chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác như vừng, bắp, sắn…Tuy nhiên HTX đã vận động bà con không nên trồng, vì như thế sẽ ảnh hưởng tới các hộ trồng rau như lây nhiễm sâu bệnh, làm thay đổi đặc thù của vùng rau chuyên canh.

Chúng tôi cũng nghe nhiều ý kiến của bà con trồng rau, nếu tình hình nguồn nước như hiện nay, bà con trồng rau sẽ rất khó khăn trong sản xuất canh tác. Từ vùng rau La Hường đến nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ 2km, nên chăng nhà nước đầu tư cho bà con một đường ống dẫn nước không bị nhiễm mặn, không cần phải qua xử lý khử trùng như nước sinh hoạt, để tưới cho rau. Mặc dù bà con trồng rau biết, như thế kinh phí sẽ rất lớn, nhưng bà con chấp nhận sẽ góp vốn trả dần trong nhiều năm, chứ để vùng rau sản xuất bấp bênh như thời gian qua và hiện nay thì rất gay go.

Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Hoàng, ông cho rằng vấn đề này rất khó, kinh phí đầu tư lớn, HTX cũng đã nghiên cứu, nhưng chưa đề đạt với cấp có thẩm quyền lần nào. Bà con trồng rau cũng phản ánh với chúng tôi, cho đến nay, cả vùng rau chưa hộ gia đình nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy bà con sẽ không yên tâm sản xuất, việc huy động nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị sản xuất như máy bơm nước, máy cày, máy cắt cỏ, phân bón… sẽ không chủ động, năng suất canh tác không cao. Vấn đề này đã được đề cập tại cuộc họp HĐND Q. Cẩm Lệ cuối tháng 6-2020 vừa qua.

Cũng theo ông Hoàng, thực ra đất đai tại vùng rau trước đây bà con đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả. Tuy nhiên từ khi thành phố quy hoạch lại vùng rau, nhiều giấy tờ của bà con trước đây không còn chính xác về diện tích đất nữa, do quá trình đất đai bị sạt lở vì nằm ven sông Cẩm Lệ. UBND quận đã cho thu hồi lại giấy tờ đất đai cũ của bà con, cho đầu tư xây dựng bờ kè dài hơn 1000 mét ven sông bao quanh vùng rau và đo đạc lại diện tích thực tế để bà con tạm thời canh tác. Sau khi bờ kè hoàn thành sẽ cấp lại giấy tờ đất đai cho bà con.

Được biết, thời gian qua, thành phố và UBND Q. Cẩm Lệ đã xác định sẽ phát triển vùng rau La Hường thành một vùng rau chuyên canh theo hướng kết hợp trồng rau với phát triển du lịch sinh thái. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết được nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho vùng rau để bà con yên tâm sản xuất canh tác, không để nhiều diện tích đất hoang hóa như hiện nay. Chúng tôi cho rằng, ý kiến đề xuất của bà con trồng rau cũng là một ý kiến mà chính quyền và ngành chức năng cần lưu tâm và xem xét nghiên cứu.

Hồng Thanh – Báo CAĐN

Theo Công An Đà Nẵng

Ảnh: Dưới nắng khô hạn, bà con trồng rau La Hường vẫn chuẩn bị đất để trồng vụ rau mới, dù nguồn nước nhiễm mặn nặng.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cadn.com.vn/news/64_227635_rau-la-huong-va-noi-lo-nguon-nuoc.aspx